Cầu Long Thành (thuộc dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) do VEC làm chủ đầu tư |
Đảng ủy Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) phát huy tốt vai trò hạt nhân của tổ chức Đảng, nỗ lực xây dựng đơn vị trở thành nòng cốt trong đầu tư, phát triển đường cao tốc tại Việt Nam.
Nổi bật nhất trong 5 năm qua là việc VEC huy động nhiều nguồn lực để triển khai đầu tư 7 dự án đường cao tốc, trong đó 5 dự án đã và đang được thực hiện đầu tư với tổng vốn đầu tư 125.572 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án 71.569 tỷ đồng, chiếm 57%, VEC vay lại và huy động hơn 54.000 tỷ đồng, chiếm 43%.
Theo ông Trần Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV VEC, phương thức ban đầu để đầu tư và triển khai các dự án đường cao tốc là VEC vay lại từ nguồn vốn ODA của Chính phủ vay của các tổ chức tín dụng quốc tế. VEC đã phát hành trái phiếu công trình cho dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu đã gặp khó khăn khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực. Thiếu vốn dẫn đến tiến độ triển khai dự án chậm trong khi nợ phải trả càng ngày càng cao. Dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Đảng bộ Tổng công ty cùng HĐTV đã quyết tâm thực hiện tái cơ cấu và được Chính phủ, Bộ GTVT cho phép tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư các dự án. Việc làm này đã giải quyết cơ bản các khó khăn trong việc thực hiện đầu tư và quản lý các dự án của VEC.
“Với việc tái cơ cấu các dự án, tiến độ triển khai các dự án được đẩy nhanh. Nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác thu phí, tạo đà cho việc huy động vốn đầu tư các công trình tiếp theo kể cả việc vay ngân hàng để phục vụ cho xây dựng các dự án”, ông Việt nói và cho biết, trong quá trình thực hiện các dự án, một số thời điểm khó khăn cấp bách về vốn, VEC đã vay của BIDV 300 tỷ đồng, Ngân hàng Hàng hải 140 tỷ đồng, Ngân hàng Quân đội 34 tỷ đồng, vay hỗ trợ lãi suất các ngân hàng 963 tỷ đồng. Hiện các khoản vay này đã được thanh toán với các ngân hàng.
Cũng theo lãnh đạo VEC, với sự chỉ đạo quyết liệt, hiện ba dự án đường cao tốc là: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với 350 km đã đưa vào khai thác, phát huy được hiệu quả. Cùng đó, các tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành cũng đang được triển khai thi công với tiến độ và chất lượng tốt.
Với công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp, hiện VEC đã lập và trình Bộ phương án. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2072 năm 2013 về tái cơ cấu nguồn vốn của 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư, trong đó Nhà nước đầu tư trực tiếp khoảng trên 50%. Còn lại VEC vay và huy động vốn để thực hiện.
“Tới đây, VEC sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó, VEC sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước theo Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 và sau 2020. Mục tiêu là xây dựng VEC trở thành đơn vị nòng cốt trong đầu tư, quản lý đồng bộ đường cao tốc”, ông Việt nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận