Huy động hơn 65 nghìn tỷ từ 5 nguồn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa phê duyệt kế hoạch thẩm định dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc (tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc).
Sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng 65.404 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), dự kiến huy động từ năm nguồn gồm vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 15.000 tỷ đồng); tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng); Vốn đấu giá một số khu đất trên địa bàn Hà Nội (khoảng 15.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu của thành phố (khoảng 10.000 tỷ đồng). Phần vốn còn lại dự kiến vay từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Hà Nội dự báo giao thông trên tuyến đường sắt Văn Cao - Hoà Lạc năm 2025 vào khoảng 273 nghìn lượt khách/ngày đêm, tương đương hơn 24,7 nghìn lượt khách/giờ cao điểm.
Đến năm 2050, con số này dự báo đạt hơn 780 nghìn lượt hành khách/ngày đêm, tương đương hơn 63,8 nghìn lượt khách/giờ cao điểm.
Từ đây, Hà Nội đề xuất lựa chọn hệ thống vận tải trung bình (MRT) với tốc độ chạy tàu trung bình khoảng 120km/h, đoạn ngầm khoảng 90km/h.
Theo kế hoạch của Hà Nội, tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025, được vận hành thử và bàn giao vào cuối năm 2025, nghiệm thu và thanh quyết toán trong hai năm 2026 - 2027.
Việc Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 chạy thử đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc, đồng nghĩa với việc tuyến đường sắt này được đầu tư trong thời gian rất ngắn từ 2 - 3 năm.
Dự báo mật độ khách đoạn Quần Ngựa - Song Phương chênh lệch lớn với đoạn Song Phương - Thạch Bình, Hà Nội cũng đề xuất số lượng tàu chạy trên đoạn Quần Ngựa - Song Phương sẽ nhiều hơn số tàu chạy toàn tuyến Quần Ngựa - Thạch Bình để phát huy tối đa hiệu quả dự án.
Trước mắt, trong giai đoạn 2025 - 2050 tuyến đường sắt này sẽ chạy tàu 4 toa, giai đoạn sau 2050 sẽ nâng lên chạy tàu 6 toa.
Muốn làm nhanh phải có cơ chế đột phá
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức đánh giá, việc đề xuất huy động từ 5 nguồn vốn làm đường sắt đô thị là một bước đi mới. Từ đây, chúng ta có thể kỳ vọng tiến độ sẽ nhanh hơn các dự án từ vốn vay ODA.
Tuy nhiên, ông Đức cũng thẳng thắn cho rằng, hoàn thành một tuyến đường sắt đô thị trong 2 -3 năm là điều rất khó. "Chúng ta chỉ có thể kỳ vọng là sẽ nhanh hơn các tuyến khác", ông Đức nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, tuyến đường sắt đô thị này có lợi thế ở khâu giải phóng mặt bằng vì diện tích trong nội đô ngắn. Tuy nhiên, việc hoàn thành trong 2 - 3 năm là khó khả thi.
Theo ông Bình, những chậm trễ trong việc triển khai các dự án đường sắt đô thị vừa qua chủ yếu do quy trình thủ tục thường mất rất nhiều thời gian. Vì thế, nếu không giải quyết được khâu này, việc triển khai theo kế hoạch 2 - 3 năm là không đơn giản.
Chuyên gia giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ cũng cho biết, 5 nguồn vốn dự kiến huy động để xây dựng tuyến Văn Cao - Hoà Lạc là phù hợp. Tuy nhiên, với mốc thời gian từ 2 - 3 năm thì đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá.
"Mặc dù chúng ta đã có kinh nghiệm làm đường sắt đô thị nhưng thời gian đưa ra quá ngắn. Có thể thành phố đang bày tỏ quyết tâm nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế", bà Thủy góp ý.
Theo Sở GTVT Hà Nội, phát triển đô thị theo định hướng TOD là giải pháp quan trọng để phát triển Thủ đô theo quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và đang được xem xét đưa vào Luật Thủ đô sửa đổi.
Sở GTVT Hà Nội cho rằng, TOD là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng. Trong đó lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho đường sắt đô thị; tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị nhằm giúp kinh doanh vận tải hành khách công cộng sinh lời. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận thuận tiện, thoải mái, an toàn của hành khách từ các không gian đô thị kiểu TOD tới các ga đường sắt đô thị và ngược lại; góp phần cải thiện điều kiện môi trường và xã hội tại địa phương.
Từ đây, Hà Nội đề xuất lựa chọn hệ thống vận tải trung bình (MRT) với tốc độ chạy tàu trung bình khoảng 120km/h, đoạn ngầm khoảng 90km/h.
Dự báo mật độ khách đoạn Quần Ngựa - Song Phương chênh lệch lớn với đoạn Song Phương - Thạch Bình, Hà Nội cũng đề xuất số lượng tàu chạy trên đoạn Quần Ngựa - Song Phương sẽ nhiều hơn số tàu chạy toàn tuyến Quần Ngựa - Thạch Bình để phát huy tối đa hiệu quả dự án.
Trước mắt, trong giai đoạn 2025 - 2050 tuyến đường sắt này sẽ chạy tàu 4 toa, giai đoạn sau 2050 sẽ nâng lên chạy tàu 6 toa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận