Đường sắt đô thị

Xây khát vọng 500km metro từ “viên gạch” đầu tiên

14/12/2024, 14:00

Sau hơn một thập kỷ, tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào khai thác ngày 22/12 tới.

Trò chuyện với Báo Giao thông, TS Phan Hữu Duy Quốc, thành viên tổ chuyên gia tư vấn Đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, nguyên Phó trưởng đại diện Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản - nhà thầu thi công phần ngầm tuyến metro số 1) cho rằng, đây sẽ là "viên gạch" đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa hơn 500km metro của thành phố.

Xây khát vọng 500km metro từ “viên gạch” đầu tiên- Ảnh 1.

TS Phan Hữu Duy Quốc.

Khoảnh khắc vỡ òa cảm xúc

Là một trong những chuyên gia đầu tiên tham gia dự án metro số 1, cảm giác của ông thế nào khi tuyến metro này sắp được đưa vào vận hành?

Là người từng tham gia thi công và cũng là công dân của TP.HCM, tôi rất vui mừng, xúc động khi tuyến metro số 1 sắp khai thác chính thức.

TS Phan Hữu Duy Quốc là người nước ngoài đầu tiên được biên chế chính thức vào Tập đoàn Shimizu, Nhật Bản. Đây là tập đoàn có tuổi đời hơn 210 năm.

Sau 19 năm tu nghiệp, TS Phan Hữu Duy Quốc được cử về Việt Nam xúc tiến dự án metro và một số dự án khác trong vai trò điều phối và làm cầu nối. 

Ông đã tham gia dự án metro số 1 với vai trò nhà thầu từ những ngày đầu làm hồ sơ thầu, đàm phán ký kết hợp đồng và khởi động dự án.

Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng đánh dấu thành công của một dự án hạ tầng trọng điểm, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của TP.HCM trong hành trình hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Quá trình tham gia dự án, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với ông?

Với tôi, dự án này có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng nhớ nhất là thời khắc tôi ngồi trên tầng cao của thương xá Tax, dõi theo công nhân tháo dỡ Vòng xoay Cây Liễu trên đường Nguyễn Huệ, trước trụ sở UBND thành phố để thi công tuyến đường ngầm bên dưới. Với người dân TP.HCM, vòng xoay này là một biểu tượng quen thuộc.

Hay như khoảnh khắc máy đào hầm TBM mạnh mẽ xuyên lòng đất từ độ sâu hàng chục mét tiến vào nhà ga Nhà hát Thành phố sau khi đi ngầm 781m ở nhà ga Ba Son. 

Và khi tuyến ngầm được nối thông đến ga Bến Thành, tất cả những ai tham gia dự án đều vỡ oà cảm xúc.

Xây khát vọng 500km metro từ “viên gạch” đầu tiên- Ảnh 2.

TS Phan Hữu Duy Quốc thời điểm đại diện nhà thầu thi công phần ngầm tuyến metro số 1.

Khi trở về Việt Nam để tham gia dự án, ông đánh giá thế nào về khả năng phát triển metro tại TP.HCM?

Sau gần 20 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, khi trở về, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đối mặt với những thách thức trong việc xây dựng các tuyến metro ở Việt Nam.

Tôi hiểu rằng, ngay cả những quốc gia phát triển như: Anh, Pháp hay Nhật Bản cũng phải mất hàng chục năm để hoàn thiện những tuyến metro đầu tiên. 

Thậm chí, tôi từng nghĩ rằng sẽ cần đến hàng trăm năm để hoàn thành mạng lưới metro tại Hà Nội hay TP.HCM.

Dự án metro số 1 là một hành trình dài với nhiều bài học lớn được rút ra. Những thách thức lớn nhất có thể kể đến là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kinh nghiệm chuyên môn; thiếu hành lang pháp lý đồng bộ và thông lệ quốc tế cho việc thực thi dự án đường sắt đô thị.

Cùng đó, chưa có cơ chế phân quyền rõ ràng cho chính quyền đô thị, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cũng chưa được trao toàn quyền quyết định, dẫn đến những khó khăn trong việc quản lý và triển khai dự án.

Những bài học quý giá

Những kinh nghiệm, bài học nào từ Nhật Bản đã được đúc kết, áp dụng với dự án metro số 1, thưa ông?

Trong quá trình thực hiện, rất nhiều kỹ thuật từ Nhật Bản đã được áp dụng. Tuy nhiên, những giải pháp từ một quốc gia đã có gần một thế kỷ kinh nghiệm xây dựng metro không thể áp dụng nguyên vẹn vào điều kiện của Việt Nam.

Xây khát vọng 500km metro từ “viên gạch” đầu tiên- Ảnh 3.

Đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam, Nhật Bản khoan hầm metro số 1 bằng robot đào hầm TBM (ảnh Phan Hữu Duy Quốc chụp đồng nghiệp).

Dẫu vậy, việc cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách đã tạo nên một bước ngoặt đáng tự hào. Đó không chỉ là sự khởi đầu của một hệ thống giao thông hiện đại, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu để từng bước xây dựng các tuyến metro khác trong tương lai.

Với tôi, tuyến metro số 1 là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần nỗ lực và khát vọng vươn mình mạnh mẽ của TP.HCM.

Với khoảng 10 năm gắn bó với metro số 1, ông nhận thấy đâu là thách thức lớn nhất mà đội ngũ kỹ sư Việt Nam phải đối mặt? Liệu khi thực hiện các tuyến metro tiếp theo, điều đó có lặp lại?

Tôi đã có gần 7 năm gắn bó với dự án trong vai trò nhà thầu và 3 năm gần đây là thành viên tổ chuyên gia tư vấn phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. 

Đây là khoảng thời gian giúp tôi có điều kiện chứng kiến sự trưởng thành của đội ngũ kỹ sư Việt Nam qua từng giai đoạn triển khai.

Tôi nhận thấy, đội ngũ kỹ sư Việt Nam có tinh thần học hỏi cao, có sự kiên trì bền bỉ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu qua dự án metro số 1, từ đó xây dựng một nền tảng vững chắc cho các tuyến metro tiếp theo. 

Tôi tin, với những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai các dự án metro sau này sẽ diễn ra thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một số lĩnh vực kỹ thuật cần tiếp tục học hỏi và làm chủ. Chẳng hạn như công nghệ đào hầm bằng khiên đào TBM, vận hành hệ thống tín hiệu hiện đại, hay sản xuất tàu điện - những lĩnh vực đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế. 

Đây là những thử thách không nhỏ, sẽ mất nhiều thời gian, nhưng phải đi thì mới tới đích.

Trao quyền nhiều hơn để tạo sự chủ động

Thành phố đặt mục tiêu trong 10 năm tới tiếp tục phát triển gần 355km metro, ông đánh giá thế nào về kế hoạch này?

Tuyến metro số 1 được xem như viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM. 

Dự án sẽ mang đến thay đổi lớn về thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân, góp phần đáng kể vào việc giảm ùn tắc, ô nhiễm.

Xây khát vọng 500km metro từ “viên gạch” đầu tiên- Ảnh 4.

Tuyến metro số 1 dài 20km sẽ vận hành thương mại từ ngày 22/12/2024. TP.HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây 7 tuyến với tổng chiều dài 355km; 10 năm tiếp theo làm thêm 155km. Ảnh: Tư Doãn.

TP.HCM hiện có kế hoạch xây dựng 355km metro trong vòng 10 năm theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Đây là mục tiêu đầy tham vọng và không hề đơn giản.

Trong phiên thảo luận của tổ chuyên gia tư vấn, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho chính quyền đô thị, tăng tính tự chủ và trách nhiệm của họ.

Đồng thời, Ban đường sắt đô thị cần được giao nhiều quyền quyết định và chịu trách nhiệm rõ ràng hơn, không chỉ đơn thuần là đại diện của chủ đầu tư mà thực sự là cơ quan chuyên môn của UBND TP.HCM.

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện các tuyến metro. Theo ông, cần làm gì để nâng cao năng lực của đội ngũ kỹ thuật trẻ?

Kỹ sư Việt Nam được đánh giá cao bởi khả năng tiếp thu nhanh và tinh thần cầu thị, học hỏi. Tuy nhiên, để có được kinh nghiệm và năng lực thực chiến vững vàng, cần một quá trình dài trải nghiệm và thử thách thực tế.

Xây khát vọng 500km metro từ “viên gạch” đầu tiên- Ảnh 5.

Lái tàu tuyến metro số 1.

TP.HCM cần chủ động triển khai các giải pháp chiến lược để chuẩn bị nguồn nhân lực quy mô lớn, sẵn sàng tham gia vào các dự án xây dựng và vận hành hệ thống metro trong giai đoạn tới.

Một trong những bước đi cần thiết là thiết lập sự liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu. 

Đồng thời, cần ban hành các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm từ nước ngoài trở về đóng góp cho các dự án trọng điểm.

Việc đầu tư có trọng điểm vào các cơ quan nghiên cứu trong nước là điều cần thiết để dần nội địa hóa nguồn nhân lực, từng bước làm chủ công nghệ, tiến tới tự chủ trong các lĩnh vực then chốt như vận hành hệ thống tín hiệu, chế tạo tàu điện, quản lý dự án. 

Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài mà còn tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển giao thông đô thị Việt Nam.

Bên cạnh nỗ lực từ phía chính quyền, các doanh nghiệp ngành xây dựng cũng cần chủ động hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm, sẵn sàng đón nhận thử thách khi tham gia các dự án đường sắt đô thị.

Cảm ơn ông!

Dự án nhiều thăng trầm

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được UBND TP.HCM phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng kinh phí dự kiến là 17.387 tỷ đồng. 

Hai năm sau, đơn vị tư vấn dự án là NJPT của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại, kinh phí tăng lên khoảng 47.325 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM.

Cũng chính vì việc điều chỉnh vốn tăng đột biến, tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 gặp nhiều khó khăn.

Khoảng 6 năm sau, vào tháng 8/2012, dự án chính thức được khởi công xây dựng với lộ trình dự kiến hoàn thành sau 6 năm. Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án liên tục gặp khó về nguồn vốn khiến công trình liên tục chậm tiến độ.

Cuối năm 2019, Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với trước, thời gian dự kiến hoàn thành vào quý IV/2021. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuyến metro số 1 xin tiếp tục lùi thời gian hoàn thành vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Cuối cùng, dự án được gia hạn tiếp vào cuối năm 2024.

Miễn phí cho hành khách trong tháng đầu tiên

Metro số 1 dài gần 20km với ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Tuyến bắt đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức).

Theo kế hoạch, metro số 1 sẽ vận hành thương mại từ ngày 22/12/2024, miễn phí vé tháng đầu tiên cũng như xe buýt kết nối metro cho tất cả người dân.

Hết thời gian miễn phí, vé thanh toán bằng tiền mặt có mức 7.000 - 20.000 đồng/lượt, thanh toán không tiền mặt có mức 6.000 - 19.000 đồng/lượt, tùy theo cự ly tuyến.

Giá vé ngày là 40.000 đồng/người/vé (không giới hạn số lượt đi lại trong ngày); giá vé 3 ngày là 90.000 đồng/người/vé (không giới hạn số lượt đi lại trong 3 ngày). 

Giá vé tháng cho hành khách phổ thông là 300.000 đồng/tháng và học sinh, sinh viên là 150.000 đồng/tháng (không giới hạn số lượt đi lại trong tháng).

TP.HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến số 7) với tổng chiều dài khoảng 355km.

Giai đoạn 10 năm tiếp theo, hệ thống metro sẽ được đầu tư thêm 155km, nâng tổng chiều dài metro lên 510km. 

Với mục tiêu này, trong 20 năm tới, mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM sẽ tăng gấp 25 lần so với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau hơn 10 năm khởi công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.