Hạ tầng

Xây sân bay Sa Pa 5.900 tỷ, gọi vốn thế nào?

21/11/2019, 06:30

Bộ GTVT vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng sân bay công suất 3 triệu khách tại Lào Cai.

img
Phối cảnh cảng hàng không Sa Pa

Việc phê duyệt sẽ làm cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng sân bay tại cửa ngõ tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Có thể phục vụ cùng lúc 9 tàu bay

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không (CHK) Sa Pa giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, sân bay này được quy hoạch là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự, xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Đáng chú ý, CHK Sa Pa sẽ là sân bay cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có công suất 3 triệu hành khách/năm.

Sân bay có đường cất hạ cánh (CHC) dài 2.400m, rộng 45m, đồng thời có dự trữ đất phía Nam của đường CHC để có thể kéo dài đường CHC lên 3.050m giai đoạn sau năm 2030. Ngoài một đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ máy bay, sân bay cũng sẽ có một đường lăn song song nối từ đầu đường CHC với sân đỗ máy bay. Quy hoạch cũng khẳng định sân đỗ sẽ được xây dựng đảm bảo 9 vị trí đỗ cho máy bay code C (tàu bay A320, A321 hoặc tương đương), có dự trữ đất phía Nam để có thể mở rộng sân đỗ giai đoạn sau năm 2030.

Nhà ga hành khách của sân bay được quy hoạch gồm 2 cao trình đi và đến, đáp ứng công suất khai thác đáp ứng đến 3 triệu hành khách/năm, có dự trữ đất phía Nam của nhà ga để có thể xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách giai đoạn sau năm 2030. Toàn bộ hàng hóa được xử lý trong nhà ga hành khách. Sau năm 2030, có thể tính tới việc phát triển nhà ga hàng hoá ở khu vực phía Nam.

Về giao thông kết nối, quy hoạch nêu rõ sẽ làm đường nối từ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vào Cảng hàng không tới khu vực sân đỗ ô tô trước ga với quy mô 6 làn xe. Nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai là nút giao khác mức.

Có hấp dẫn nhà đầu tư?

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong, lượng khách du lịch quốc tế đến Lào Cai là hơn 4,2 triệu lượt khách, tăng 21,2% so với năm trước đó. Sang năm 2019, con số này có thể cán mốc 5 triệu lượt khách.


Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, trước đây UBND tỉnh Lào Cai đã từng có đề xuất xây dựng CHK Sa Pa tại chính địa điểm được quy hoạch nêu trên. Cụ thể, Lào Cai đề xuất xây dựng sân bay dân dụng cấp 4C, công suất 2,5 - 3 triệu khách/năm với tổng mức đầu tư dự án dự kiến lên tới 5.900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hình thức đầu tư CHK Sa Pa được UBND tỉnh Lào Cai đề xuất là kết hợp giữa ngân sách nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công và hình thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể, Lào Cai đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng khu bay và đường trục vào cảng. Ngân sách tỉnh sẽ chi hơn 910 tỷ đồng để thực hiện GPMB, tái định cư và rà phá bom mìn. TCT Quản lý bay VN sẽ chi khoảng gần 132 tỷ đồng để đầu tư các công trình quản lý bay. Phần còn lại hơn 1.770 tỷ đồng (xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không) sẽ đầu tư theo hình thức BOT.

Tuy nhiên, không đồng ý với đề xuất này của Lào Cai, Cục Hàng không VN đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị nên đầu tư toàn bộ CHK Sa Pa theo hình thức BOT. Theo cơ quan này, trong điều kiện nguồn vốn NSNN hạn chế, để giảm áp lực cho NSNN đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư - quản lý - khai thác - bảo trì cũng như đảm bảo vai trò chủ trì của người khai thác cảng hàng không trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ tại cảng, ngoại trừ các hạng mục quản lý điều hành bay sẽ giao cho TCT Quản lý bay VN (mô hình tương tự sân bay Vân Đồn).

Phía TCT Cảng hàng không VN (ACV), Chủ tịch Lại Xuân Thanh cho rằng, việc đầu tư sân bay Sa Pa là cần thiết. Điều này đã được khẳng định tại Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. “Không cần phải bàn cãi nhiều về việc nên hay không nên đầu tư. Vấn đề chỉ là đầu tư như thế nào, thời điểm nào cho hợp lý”, ông Thanh nói.

Đây cũng là quan điểm chung được nhiều chuyên gia hàng không khẳng định. “Nếu Nhà nước có đủ tiền, đủ nguồn lực, không có gì phải bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, cần cân nhắc kỹ càng hình thức đầu tư”, một chuyên gia hàng không nói và phân tích: Nguồn khách chính cho sân bay Lào Cai chỉ có khách du lịch từ miền Nam ra phía Bắc và khách từ Vân Nam, Côn Minh (Trung Quốc) vào Lào Cai và đi tiếp vào nội địa Việt Nam.

Phân khúc thị trường của Lào Cai cũng không rõ ràng như: Vân Đồn, Phan Thiết hay cả các cảng sắp nâng cấp như: Đồng Hới, Chu Lai. Chưa kể, Lào Cai đã có đường cao tốc. Như vậy, xét về kinh tế, rất khó để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân, nhất là trong trường hợp họ phải bỏ tiền làm cả sân bay (bao gồm cả đường băng, đường lăn, sân đỗ và nhà ga…).

Liên quan đến việc đầu tư sân bay Sa Pa, đã từng có thông tin về việc SunGroup - nhà đầu tư sân bay Vân Đồn sẽ tham gia vào dự án này với tư cách nhà đầu tư khu hàng không dân dụng (khoảng hơn 1.700 tỷ đồng). Tại Lào Cai, SunGroup cũng đang là nhà đầu tư lớn nhất với cam kết đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng vào tỉnh này. Trong đó, tập đoàn đã đầu tư dự án cáp treo Fansipan Sapa có tổng mức đầu tư 4.400 tỉ đồng, dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Mgallery Sapa gồm khách sạn 5 sao (khởi công khách sạn 1.500 tỉ đồng từ năm 2016) cùng các hạng phục nhà phố, condotel, biệt thự…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.