Với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, đầu năm 2017, TP.HCM đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện khu vực trung tâm. Tháng 8/2018, TP.HCM tiếp tục thí điểm 5 điểm đón taxi trên địa bàn quận 1. Tuy nhiên, đến nay tuyến xe buýt điện ở khu vực trung tâm không thu hút khách còn điểm đón taxi bị bỏ hoang…
Xe buýt điện thường xuyên chạy rỗng
Ngày 13/2, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại khu vực Công viên 23 tháng 9, tuyến xe buýt điện D1 chạy khu vực trung tâm quận 1 (lộ trình từ Công viên 23 tháng 9 đến Thảo Cầm Viên) không có khách. Tại điểm này có 4 chiếc xe buýt điện hoạt động, thế nhưng nhiều chuyến chạy rỗng.
Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND quận 1 và Hiệp hội Taxi để tăng cường tuyên truyền cho người dân và tài xế, đồng thời UBND TP cũng giao Sở nghiên cứu ban hành quy định cụ thể về chế tài đối với taxi. Sở cũng đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan nghiên cứu thêm ứng dụng (App gọi taxi) để các hãng taxi liên kết với nhau. Qua đó hành khách bấm nút là sẽ liên hệ được với tài xế gần nhất để bớt được thời gian chờ đợi và chắc chắn sẽ có taxi đi.
Ông Đỗ Ngọc Hải
Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ,
Sở GTVT TP.HCM
Chia sẻ với PV, một nữ tài xế chạy xe buýt điện tại bến Công viên 23 tháng 9 cho biết: “Ca của tôi một ngày chạy 11 chuyến, nhiều chuyến chỉ chạy xe không. Như ngày 12/2 chỉ bán được 8 vé, tổng cộng 96.000 đồng”, nữ lái xe cho hay.
Trong khi đó, các tuyến D2 và D3 hoạt động ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khách đi lại khá hơn. Ông Nguyễn Lê Thành, Giám đốc Công ty Phố Cảnh Sài Gòn cho biết: “Với đặc thù ở Phú Mỹ Hưng nhiều người nước ngoài sinh sống nên khách cũng chủ yếu là người nước ngoài. Trong khi đó, người Việt tiện đâu đi đó lại thích ngồi xe có máy lạnh nên phương tiện này không thu hút. Tại Phú Mỹ Hưng, xe buýt điện không chỉ phục vụ khách du lịch, nhiều trường học còn lựa chọn làm phương tiện để đưa đón học sinh”.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho rằng, lý do xe buýt điện vắng khách là do không hấp dẫn được người dân thành phố. Loại xe này chỉ phù hợp với khách nước ngoài và những khách du lịch. “Đây là tuyến xe buýt điện không trợ giá, trong trường hợp nhà đầu tư hoạt động bị lỗ mà xin ngưng hoạt động thì thành phố sẽ xem xét. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa có ý kiến gì”, ông Hải nói.
Điểm đón taxi bỏ hoang
Ngoài tuyến xe buýt điện hoạt động không hiệu quả, hiện 5 điểm đón taxi được TP.HCM thí điểm từ tháng 8/2018 trên địa bàn quận 1 bằng nguồn vốn xã hội hóa cũng gần như những điểm này bị bỏ hoang. Ghi nhận của PV tại điểm đón taxi 16 Alexandre De Rodes không có khách đứng đợi, cũng không có chiếc taxi nào chờ đón khách. Dù PV đã đứng đợi 30 phút nhưng không hề thấy bóng dáng xe taxi nào.
Một nhân viên của quán cà phê gần đó cho biết: “Điểm đón taxi này giờ đã bị bỏ hoang, lúc đầu thí điểm còn có vài người khách nước ngoài đến nhấn nút nhưng chờ đến cả tiếng cũng không có xe đến đón nên họ bỏ đi. Từ đó điểm này không còn ai đứng bắt taxi nữa”.
Tương tự, PV đến các điểm còn lại cũng không khá hơn, khách đứng chờ ở trụ taxi không có, thậm chí nhiều tài xế taxi còn không biết có 5 điểm đón taxi nên cứ lướt qua nhanh. Vậy là mục đích phục vụ người dân, tài xế thuận tiện đưa đón khách nhằm giảm tình trạng tài xế phải chạy lòng vòng, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định khiến nạn kẹt xe gia tăng ở khu vực trung tâm đã không thực hiện được. Chưa kể, gần đây những điểm này còn là điểm đỗ triền miên cho các xe ô tô mà không phải đóng phí.
Anh Nguyễn Văn Lâm, tài xế taxi cho rằng: “Việc thành phố mở 5 điểm đón taxi rất tốt, tuy nhiên với thói quen của nhiều người hiện nay tiện đâu đi đó, không muốn chờ đợi lâu nên hình thức này không người dân nào sử dụng. Hơn nữa, tài xế với áp lực khoán chuyến, muốn bắt khách nhanh nên khách vẫy đâu là bắt đó”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận