Nhiều xe sơn màu giống buýt thật đánh lừa hành khách |
Các xe buýt giả là xe chạy các tuyến cố định. Để tranh giành khách với xe buýt, các chủ xe này đã cố tình sơn màu xe giống với xe buýt thật (màu xanh) nhằm đánh lừa hành khách. Đặc điểm để phân biệt chỉ là nhân viên soát vé không mặc đồng phục, không xé vé cho khách.
Khách có thẻ miễn phí cũng thu tiền
Ông N.V.L (70 tuổi), một cựu chiến binh phản ánh với Báo Giao thông về việc ông bị một phụ xe buýt thu tiền quá cao dù ông có thẻ thương binh, thuộc diện được miễn phí đi xe buýt theo quy định. Theo lời kể ông L., đầu tháng 4 vừa qua, ông đón xe buýt trên QL51 thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai về ngã tư Vũng Tàu (tỉnh Đồng Nai). Khi lên được xe có số tuyến 11 và kiếm được chỗ ngồi, dù ông có trình thẻ thương binh nhưng nhân viên nhà xe vẫn thu tiền với mức phí 60 nghìn đồng. Khi ông phản ánh đến đơn vị quản lý tuyến xe buýt số 11 thì mới biết mình đi nhầm xe buýt “giả”.
Theo quan sát của PV Báo Giao thông vào sáng 26/4, tại khu vực ngã tư Vũng Tàu (QL51), xe buýt giả nhãn hiệu số 11 hoạt động công khai. Trong vai hành khách đi xe buýt ngồi chờ tại quán nước đầu tuyến QL51, chúng tôi được bà T., chủ quán nước nhắc nhở: “Cẩn thận khi đi xe buýt nhé, nhớ lên xe nào có tiếp viên mặc đồng phục”. Chỉ khoảng 30 phút sau, một chiếc xe sơn màu xanh phía trước có miếng dán số 11 trờ tới, một nam thanh niên lao xuống kéo khách lên xe. Điều đáng nói, khi lên xe nhiều hành khách phải trả 30 nghìn đồng/người. Trong khi đó giá vé xe buýt số 11 chạy trên QL51 chỉ có 18 nghìn đồng/toàn tuyến.
Dẹp không xuể
Theo ông Phạm Công Bắc, Chủ nhiệm HTX Vận tải Đồng Tiến (đơn vị khai thác tuyến xe buýt số 11- Bến xe ngã tư Vũng Tàu đến huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), hầu như ngày nào cũng có phản ánh của hành khách về tình trạng một số xe buýt thu tiền cao gấp 2-3 lần so với quy định và không xé vé.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm VTHKCC, thời gian qua Trung tâm đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 56 trường hợp xe buýt vi phạm. Trong đó, có 28 lỗi thu tiền không xé vé (tuyến 11, 12, 16, 602), 22 lỗi thu tiền quá giá (tuyến 5, 11, 16, 18, 601, 602, 604) và nhiều lỗi khác. Đội kiểm tra Trung tâm đã tổ chức phối hợp với Trung tâm TP HCM và Bình Dương phát hiện 40 trường hợp vi phạm với nhiều lỗi khác nhau. |
“Khi tiếp nhận những phản ánh từ hành khách chúng tôi đã giải thích tận tình và hướng dẫn cụ thể. Hành khách có thể dễ dàng nhận diện loại xe giả mạo xe buýt này qua việc các tài xế, lơ xe không mặc đồng phục, không có bảng tên, xe không in mã số tuyến mà chỉ có bảng dán”, ông Bắc nói và cho biết, trong quá trình hoạt động, HTX cũng đã thống kê hàng loạt xe hoạt động theo hình thức núp bóng như: 53N-7950, 72B-00013, 72B-00089, 72B-00093 nhằm cung cấp cho các cơ quan chức năng theo dõi xử lý.
Đại diện Trung tâm VTHKCC (thuộc Sở GTVT Đồng Nai) cho biết, các xe giả buýt thường xuyên để mã số tuyến giống các xe buýt thật hoạt động trên tuyến. Xe buýt giả dừng đỗ tại trạm dành cho xe buýt thật để tranh giành khách gây mất ATGT, an ninh trật tự trên tuyến, đặc biệt là trên trục QL 51. Xe buýt giả hoạt động nhiều vào các ngày cao điểm cuối tuần lễ, tết. Trong khi đó, Trung tâm không có chức năng xử lý các trường hợp xe buýt giả này. Trung tâm cũng đã thường xuyên theo dõi báo cáo với cơ quan chức năng (CSGT, TTGT) danh sách xe buýt giả để xử lý. Cơ quan chức năng đã nhiều lần phối hợp kiểm tra, xử lý các xe vi phạm nhưng được một thời gian các xe này vẫn tái diễn hoạt động trở lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận