Giao thông

Xe buýt TP.HCM không lo thiếu nhiên liệu sạch CNG

03/07/2019, 08:10

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí VN, trước mắt vẫn cung cấp đủ nguồn nhiên liệu sạch cho xe buýt.

img
Xe buýt CNG tiêu hao ít nhiên liệu, sach môi trường nhưng giá thành cao, hỗ trợ ít khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư

Trước thông tin nhà cung cấp nhiên liệu khí nén thiên nhiên (CNG) “độc quyền” cho xe buýt ở TP HCM sẽ giảm tới 30% nhiên liệu này từ nay đến cuối năm 2019 khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lo lắng, Sở GTVT TP HCM khẳng định sẽ đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu cho các phương tiện hoạt động ổn định.

Thiếu nhiên liệu do “độc quyền”?

TP HCM sẽ có thêm 5 trạm cung cấp CNG
Sở GTVT TP HCM cho biết, hiện thành phố có 4 trạm nạp nhiên liệu CNG gồm: Trạm Phổ Quang (Q.Tân Bình), ĐHQG TP HCM, bến xe An Sương (Q.12) và trạm Tân Kiên (H.Bình Chánh). Sắp tới, ngoài việc nâng cấp các trạm cũ, dự kiến thành phố sẽ có thêm 5 trạm tiếp nhiên liệu cho xe buýt CNG (BX Chợ Lớn, BX Q.8, Bx Tân Phú, BX Củ Chi, bãi xe Lạc Long Quân).


Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, đến thời điểm này, trên địa bàn TPHCM có khoảng 400 xe buýt sử dụng khí CNG trên tổng số hơn 2.000 xe buýt. Con số này mới chỉ đạt được 50% kế hoạch, bởi mục tiêu của TP HCM là phải đạt được 800 xe buýt chạy bằng khí CNG đến năm 2020.

Thông tin đáng quan tâm gần đây, đối tác cung cấp nhiên liệu duy nhất là Công ty CP Kinh doanh Khí miền Nam gửi thông báo dự kiến giảm 20 - 30% lượng khí CNG cho xe buýt, do Bộ Công thương yêu cầu để ưu tiên cấp khí cho điện.

Sau đó, Sở GTVT đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM bày tỏ, nếu giảm nguồn cung khí CNG cho xe buýt sẽ gây khó khăn trong việc cung ứng nhiên liệu cho các xe buýt chạy bằng khí CNG đang hoạt động, đồng thời gây hoang mang cho các doanh nghiệp vận tải có ý định khai thác xe buýt chạy khí CNG.

Với thông tin này, ông Đoàn Minh Tâm, Giám đốc Công ty Xe khách Sài Gòn cho biết, đơn vị rất muốn đầu tư xe buýt CNG, tuy nhiên đang gặp vướng mắc do đơn vị cung cấp nhiên liệu (độc quyền) đề nghị tăng giá. Với mức tăng giá này, chi phí sử dụng CNG tương đương với dầu DO.

Cụ thể, đầu năm 2017, đơn vị cung cấp nhiên liệu đã điều chỉnh tăng giá bán khí CNG lên 66% so với giá dầu DO và dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán cho các năm tiếp theo. Nếu tính đầu tư xe dầu hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn xe buýt CNG mặc dù xe buýt này được hưởng chính sách hỗ trợ lãi xuất vay của thành phố.

Ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX Vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng cũng cho biết, đơn vị đã đầu tư 26 xe buýt CNG vào cuối năm 2017. Dù được thành phố hỗ trợ ưu đãi về lãi suất, nhưng doanh nghiệp phải vay ngân hàng và trả lãi cao. Đáng nói là việc chạy xe buýt CNG hiện nay gặp khó khăn do trạm nhiên liệu ít, cách bến xa, giá nhiên liệu lại cao.

“Chúng tôi kiến nghị đơn vị cung cấp nhiên liệu không điều chỉnh công thức tính CNG và đầu tư thêm các trạm nạp hoặc tăng công suất các trạm hiện hữu để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động”, ông Phấn nói.

Đảm bảo đủ nhiên liệu CNG cho xe buýt

img
Hiện TP.HCM có khoảng 400 xe buýt chạy khí CNG

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, trước thông báo của Công ty CP Kinh doanh Khí miền Nam về dự kiến giảm 20 - 30% lượng khí CNG cho xe buýt trong năm nay, đơn vị đã kiến nghị Sở GTVT báo cáo UBND TP về tình hình khó khăn trên.

Về giá nhiên liệu khí CNG, ông Trung cho biết, UBND TP đã đề nghị đơn vị cung cấp nhiên liệu trong năm 2017 - 2018 vẫn giữ nguyên giá cũ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chạy khí CNG hoạt động. Sau khi kết thúc đề án thay mới 1.680 xe buýt, thành phố tiếp tục giao cho Trung tâm nghiên cứu đề án mới giai đoạn 2018 - 2020 trong đó có chú trọng đến đầu tư xe buýt CNG.

Ngày 2/7, trao đổi với PV, đại diện Sở GTVT cho biết, đây là chương trình thực hiện theo đề án phát triển xe buýt của thành phố nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, hướng đến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Do vậy, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP.HCM làm việc với Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đảm bảo đủ nhiên liệu, phát triển ổn định lâu dài cho xe buýt công cộng. Bên cạnh đó, UBND TP cũng sẽ làm việc với công ty dầu khí để xác định lại giá nhiên liệu, có thể xem xét đến việc ưu đãi cho xe buýt.

Cũng theo vị này, vừa qua Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và trước mắt vẫn cung cấp đủ nguồn nhiên liệu, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ phải xây dựng lại kế hoạch đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu khí CNG, giá cả ổn định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.