Tài xế ngồi chơi, để xe tự lái
Một buổi chiều tháng 5, trên đường phố Scotland, tài xế Steven Matthew vận hành một chiếc xe buýt mới, với dòng chữ “autonomous bus” (xe buýt tự động) ngang thân xe.
Khi xe qua cây cầu Forth (biểu tượng của Scotland) ở TP Edinburgh, một tiếng “Tinh!” nhẹ vang lên, tài xế thông báo với hành khách là xe đã chuyển sang chế độ tự động lái.
Tài xế Steven Matthew ngồi sau vô lăng, sẵn sàng kiểm soát lại phương tiện trong trường hợp khẩn cấp
Giáo sư Nick Antonopoulos - Phó khoa Nghiên cứu và Sáng tạo tại Đại học Edinburgh Napier cho rằng, dự án CAVForth là dự án tầm cỡ thế giới. Tự động hóa sẽ tạo cơ hội để chuyển đổi cách thức di chuyển trong những năm tới đồng thời cải thiện an toàn, giảm tiêu thụ năng lượng.
Từ đây, tài xế rời tay khỏi vô lăng, để hờ phía bên dưới và sẵn sàng kiểm soát lại trong trường hợp xảy ra sự cố.
Nhìn từ xa, Matthew vẫn như đang lái xe nhưng nếu nhìn gần hơn thì sẽ nhìn thấy rõ bàn tay anh không điều khiển vô lăng.
Tài xế 47 tuổi cho biết: “Công nghệ này rất thông minh, duy trì đúng làn, phanh kịp khi cảm nhận thấy có các phương tiện khác tới gần”.
Matthew tin tưởng công nghệ đến mức khẳng định, anh ngồi sau vô lăng không phải đề phòng lỗi công nghệ, mà là phòng lỗi từ phía người đi bộ và các tài xế khác tham gia giao thông.
Đây là chiếc xe buýt tự lái nằm trong dự án phát triển tuyến xe buýt tự động lái mang tên CAVForth với sự tham gia của Sở Giao thông Scotland, công ty xe buýt Stagecoach và nhiều công ty công nghệ, trường đại học trong khu vực. Dự án do Trung tâm về Phương tiện tự động lái và kết nối của Chính phủ Anh (CCAV) tài trợ.
Tuyến xe buýt tự động lái này bắt đầu hoạt động thử nghiệm trên đường phố thực từ tháng 5 vừa qua, dài 22,5km với tổng cộng 5 xe phục vụ.
Dù trong xe vẫn có tài xế sẵn sàng can thiệp trong trường hợp khẩn cấp, nhưng đây vẫn được coi là hệ thống xe buýt tự động đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động trên đường phố thực.
Tuyến buýt này sẽ vận hành tới năm 2025 để chứng minh công nghệ tự động lái trong môi trường thực.
Bước ngoặt
Dự lễ khai trương tuyến buýt, Giám đốc Sở Giao thông Scotland Kevin Stewart ca ngợi đây là bước ngoặt trong hoạt động giao thông vận tải của Scotland và Vương quốc Anh, là kết quả của gần 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm trên 1.800.000km.
Ông Kevin Stewart nhận định: “Tôi thực sự hào hứng khi chứng kiến dự án xe buýt đầy tham vọng và sáng tạo này đã được hiện thực hóa. Chúng tôi mong muốn Scotland tiếp tục dẫn đầu trong phát triển phương tiện tự động, kết nối và thử nghiệm trong không gian thực, xây dựng uy tín của Scotland trên trường quốc tế”.
Xe buýt tự động lái tại Scotland, Vương quốc Anh
Chia sẻ về hệ thống đặc biệt này, Giám đốc chính sách của công ty Stagecoach - ông Peter Stevens cho biết, mặc dù công nghệ tự động hóa từng được thử nghiệm trước đó nhưng đây là lần đầu tiên có một dịch vụ xe buýt tự động được đăng ký đi vào hoạt động.
Xe buýt có tốc độ khoảng 80km/h và vẫn có tài xế đảm bảo an toàn để phù hợp với quy định tại Anh vì nước này chưa cho phép phương tiện tự động lái hoàn toàn hoạt động trên đường phố.
Ngoài ra còn có một phụ xe để hỗ trợ kiểm tra vé và giải đáp thắc mắc của hành khách. Như vậy, số người vận hành trên xe là 2 người, gấp đôi so với xe buýt thông thường.
Trên thế giới, đã có một số quốc gia thử nghiệm xe buýt tự động lái như Hàn Quốc, Singapore. Trong khi đó, TP Malaga (Tây Ban Nha) cũng vừa giới thiệu xe buýt điện tự lái đầu tiên.
Mỗi xe buýt có 20 cảm biến, camera và hệ thống radar, cùng với hệ thống định vị toàn cầu liên kết với vệ tinh.
Hệ thống điều khiển trên xe buýt tự lái sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhận thông tin từ các thiết bị lắp đặt trên khắp xe ô tô để quyết định vị trí chính xác, tính toán tuyến đường nhanh nhất.
Nhờ những công nghệ hiện đại đó, mẫu xe buýt tự lái này có thể thực hiện các thao tác giao thông phức tạp khi di chuyển qua vòng xuyến, nhận biết đèn giao thông và len lỏi giữa các làn đường cao tốc.
Giới chức Scotland kỳ vọng, việc triển khai dịch vụ xe buýt tự lái sẽ tăng cường an toàn, cải thiện hiệu quả nhiên liệu tới 20% và mang đến trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Ông Stevens nhấn mạnh, hệ thống tự động lái có thể phản ứng nhanh hơn con người.
Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, xe buýt sẽ liên tục thu thập dữ liệu và thu thập, học kiến thức trong khi thực hiện từng hành trình, từ đó cải thiện dịch vụ.
Ông Ram Murthym, 48 tuổi, Giáo sư Khoa thông tin tại Đại học Edinburgh cho rằng, rào cản lớn nhất đối với phương tiện tự lái là đối phó với người tham gia giao thông xung quanh, đặc biệt trong môi trường đô thị.
“Con người khi lái xe thường không tuân thủ hoàn toàn nghiêm ngặt quy định nên rất khó đoán. Nếu đường phố chỉ có phương tiện tự lái thì có thể vận hành hoàn hảo, tai nạn giao thông và tỷ lệ tử vong đều sẽ giảm mạnh”, ông Murthym nói.
Nếu thử nghiệm bước đầu thành công, ban tổ chức sẽ triển khai công nghệ tương tự tới 4 thành phố khác trên khắp Vương quốc Anh trước cuối năm nay.
Các công ty và cơ quan liên quan hy vọng khi công nghệ này được ứng dụng rộng rãi sẽ khuyến khích Chính phủ Anh thay đổi quy định và luật pháp để hiện thực hoá tuyến buýt tự lái hoàn toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận