Trưa nay (28/1), chất lượng không khí ở Hà Nội dù đã được cải thiện so với những ngày trước song vẫn đang ở mức báo động. Đáng chú ý tại điểm đo trên đường Phạm Văn đồng, chỉ số AQI (mức độ an toàn không khí) ở mức báo động đỏ 202; tại điểm đo Hàng Đậu cũng ở mức xấu 201; ngoài ra các điểm đo khác đều rơi vào mức kém với AQI từ 158 đến 200. Số liệu từ bảng thống kê về nồng độ bụi PM 2.5 cũng cho thấy 5 ngày liên tiếp vừa qua (23-27/1) chỉ số này đều ở mức xấu, tất cả mọi người nên hạn chế ra ngoài. Cá biệt ngày 25/1, nồng độ bụi PM 2.5 đo được lên mức 399 trong khi giới hạn trung bình cho phép trong vòng 24h là 50mg/m3.
Theo các chuyên gia, bụi PM 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Chính vì thế khi nồng độ bụi PM 2.5 từ 301 trở lên, chất lượng không khí ở mức nguy hại, người dân không nên đi ra ngoài đường.
Trước tình trạng trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Đặng Minh Tân, ĐH Giao thông Vận tải nhận định: Không khí Hà Nội bị ô nhiễm do tổng hợp rất nhiều yếu tố, trong đó khí thải từ phương tiện giao thông và mật độ công trình xây dựng dày đặc là 2 nguyên nhân chính.
“Những ngày vừa qua, lượng phương tiện đổ về Hà Nội tăng đột biến, hiện tượng ùn tắc xảy ra trên nhiều tuyến đường ngay cả trong khung giờ thấp điểm”, ông Tân nói.
Nói về nguồn sinh ra bụi PM 2.5, ông Tân cho hay: “Loại bụi siêu nhỏ sinh ra từ nguồn khí thải phương tiện giao thông, công trình xây dựng, đốt than lò hay sản xuất công nghiệp…Tuy nhiên tại Hà Nội, bụi PM 2.5 sinh ra chủ yếu từ phương tiện giao thông bao gồm khí thải và bụi phát tán từ các xe vận chuyển vật liệu xây dựng”.
Cũng theo ông Tân, việc giảm thiểu khí thải tại Hà Nội và các thành phố lớn khác đang là bài toán khó khi lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, tiêu chuẩn khí thải lại rất thấp.
Tương tự, GS -TSKH Phạm Ngọc Đăng hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết: “Theo nghiên cứu, nguồn khí thải từ giao thông sinh ra bụi PM 2.5 chiếm từ 60-70% còn lại là các nguồn khác. Trong những ngày cận Tết, lưu lượng xe cộ tăng cao cộng thêm hiện tượng thời tiết “trên nóng, dưới lạnh” khiến không khí bị tích lại, luẩn quẩn không đi xa được. Đây chính là nguyên nhân khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trong những ngày qua”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận