Trưa 22/11, chiếc xe 16 chỗ mang biển số 26B - 007.01 chở học sinh về đến địa phận bản Mâm (xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) thì bất ngờ bị rơi cửa, khiến 3 học sinh văng ra ngoài.
Vụ tai nạn đã làm em L.T.U (sinh năm 2007, học sinh trường THCS Chiềng Sơ) tử vong tại chỗ. Còn em T.T.N (sinh năm 2010) bị thương nhẹ.
Sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng xác định xe này còn hạn đăng kiểm, Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La cho biết lái xe không có bằng lái phù hợp. Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, lái xe thừa nhận chưa có bằng lái.
Luật sư Nguyễn Đại Hải, Công ty Luật TNHH Fanci
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty Luật TNHH Fanci) cho biết, hiện cơ quan điều tra bước đầu xác định lái xe không có giấy phép lái xe với loại xe phù hợp.
Theo quy định của pháp luật, điều kiện người tham gia giao thông là phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển (nếu không có giấy phép lái xe lại thuộc trường hợp khác).
Với lỗi không có giấy phép lái xe với loại xe phù hợp, người vi phạm có thể bị xử phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng (nếu lái xe không phải chủ xe, người giao xe cho lái xe có thể bị phạt tiền từ 4 đến 12 triệu đồng).
Trong trường hợp xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như chết người, lái xe có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến việc xe chỉ có 16 chỗ ngồi mà lái xe chở đến 27 người, luật sư Hải cho biết, cứ mỗi một người chở vượt, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 400- 600.000 đồng, tuy nhiên tổng số tiền này sẽ không vượt quá 40 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi chở quá số người quy định nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự.
Về chi tiết xe còn thời hạn đăng kiểm nhưng cửa xe vẫn rơi, gây tai nạn chết người, theo Luật sư Hải, trường hợp khám nghiệm phương tiện mà thấy lỗi do đăng kiểm có sai sót và trong quá trình tham gia giao thông mà phương tiện gây tai nạn có liên quan trực tiếp đến sai sót của cơ quan đăng kiểm thì cơ quan đăng kiểm phải chịu trách nhiệm.
Trong vụ án này có 1 cháu bé chết và 1 cháu bé bị thương, đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định, người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông mà gây hậu quả làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, sẽ bị phạt tiền từ 20- 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Như vậy, nếu cơ quan đăng kiểm có sai sót và sai sót này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả trên thì rất có thể cơ quan đăng kiểm, người trực tiếp chịu trách nhiệm về kỹ thuật trong quá trình đăng kiểm phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp, vụ tai nạn kể trên chỉ là tai nạn rủi ro thông thường (như các em đùa nghịch, xe tự hỏng khi đang di chuyển) thì xử lý như thế nào?
Theo luật sư, quy định đối với người trên xe tham gia giao thông là người trên xe phải thắt dây an toàn, mỗi người chỉ được phép ngồi 1 ghế. Trường hợp các em đùa nghịch hoặc xe tự hư hỏng khi tham gia giao thông và tai nạn là rủi ro thì trong trường hợp này là quan hệ dân sự, bên chủ xe hay bên bảo hiểm có trách nhiệm hỗ trợ cho các bên bị thiệt hại.
Nhưng trường hợp người ngồi trên xe tự ý tháo dây an toàn và rời khỏi vị trí ngồi gây tai nạn thì trách nhiệm thuộc về người ngồi trên xe.
“Đối với xe đưa đón học sinh thì có điều kiện kinh doanh riêng, có các quy định riêng để đảm bảo an toàn cho học sinh và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Vậy, nếu trong trường hợp buông lỏng quản lý học sinh trên xe dẫn đến hậu quả chết người thì người lái xe, phụ xe cũng phải chịu trách nhiệm liên đới”, luật sư phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận