Thay vì phải bỏ ra cả tỷ USD để mua và "nuôi" xe công thì Nhà nước có thể thuê dịch vụ xe đưa đón của tư nhân - Ảnh: Tạ Tôn |
Hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo nguyên tắc tự nguyện với chức danh thứ trưởng và tương đương đã được đưa ra từ năm 2007. Song đến tháng 10/2016, tức sau gần 10 năm, cơ chế này mới được Bộ Tài chính và TP Hà Nội thí điểm.
Qua thực tiễn đã được kiểm chứng, cơ chế khoán xe công góp phần tiết kiệm chi ngân sách. Tuy nhiên, vì mới chỉ thực hiện theo hình thức tự nguyện nên rất ít chức danh đăng ký, dù qua thực tế áp dụng, mức khoán với một số trường hợp còn cao hơn cả mức lương họ nhận được. Đơn cử như thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đang áp mức khoán 9,9 triệu đồng/tháng (do khoảng cách từ nhà tới nơi làm việc khá xa). Trong khi đó, tiền lương thực lĩnh mỗi tháng của ông Tuấn chỉ 9,4 triệu đồng (chưa bao gồm tiền phụ cấp, ăn trưa). Các Thứ trưởng khác như ông Trần Xuân Hà, Trần Văn Hiếu, Nguyễn Hữu Chí có mức lương cao hơn ông Tuấn (10,2 và 11,2 triệu đồng), song cũng không chênh lệch nhiều so với mức khoán chi phí đưa đón hàng ngày.
Vậy, vì sao lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn không mặn mà với hình thức khoán này?
Một đại biểu Quốc hội từng nhận khoán xe công song đã thôi sau 2 năm thực hiện chia sẻ: Sử dụng xe cá nhân vào cơ quan Nhà nước làm việc phải mất nhiều thời gian giải thích với nhiều quy trình thủ tục hành chính; Trong khi nếu sử dụng xe biển xanh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Không chỉ liên quan đến liên hệ công tác như đại biểu Quốc hội này chia sẻ, mà thực tế cho thấy, xe công - xe biển màu (xanh, đỏ) còn nhận được nhiều “ưu ái” khác, trong đó dễ nhận thấy nhất là trong quá trình tham gia giao thông. Không ít tình huống, trong khi các xe biển trắng xếp hàng chờ tới lượt thì xe biển màu dễ có cơ hội được ưu tiên, bất kể tính chất công việc chưa hẳn cấp thiết, gấp gáp. Ngay cả khi vi phạm giao thông, xe biển màu cũng dễ được các lực lượng chức năng linh động, bỏ qua…
Dù không có căn cứ pháp lý, song tư duy phân biệt đối xử giữa đội ngũ cán bộ “Nhà nước” với “dân thường” đã tạo ra thông lệ “xe biển màu” như tấm thẻ ưu tiên mà người đi xe nghiễm nhiên được hưởng, từ đó dẫn đến lạm dụng. Thậm chí, đã xảy ra không ít trường hợp xe công điềm nhiên vượt tốc độ, đi vào đường cấm, đỗ sai vị trí…, thậm chí còn nghênh ngang, phản ứng tiêu cực khi bị CSGT xử lý, gây bức xúc trong dư luận.
Chính vì vậy, để tiết kiệm ngân sách từ xe công, bên cạnh những biện pháp như đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công này; Minh bạch trong quản lý, sử dụng; Quản lý công việc và quản lý cán bộ chặt chẽ; Tinh giảm biên chế… thì còn cần phải thay đổi tư duy về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của khu vực công quyền. Theo đó, mọi người đều cần bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử giữa cơ quan công quyền với tổ chức, doanh nghiệp tư nhân; Giữa “người Nhà nước” với “dân thường”. Nếu như cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng quy định một khu vực dừng, đỗ xe cho tất cả mọi đối tác tới giao dịch thì khi đó, đi xe biển xanh, biển đỏ thì cũng như đi biển trắng. Nếu các lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông… đều xử phạt nghiêm tất cả phương tiện vi phạm thì mọi lái xe đều phải nâng cao kỹ năng, ý thức tham gia giao thông và xe biển màu khi đó đương nhiên không còn là “giấy thông hành”. Và nếu mọi lãnh đạo, công chức đều xác định rõ mình đang được người dân trả lương để phục vụ họ, thì sẽ không còn nặng tâm lý xe công như một trong những chiếc áo quyền lực để phấn đấu sở hữu và nắm giữ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận