Vận tải

Xe container vào cảng Cát Lái phải làm thủ tục online

22/11/2016, 07:09
image

Cuối năm nay, cảng Cát Lái sẽ bắt buộc 100% xe chở container vào cảng phải làm thủ tục trước trên mạng internet.

1
Do đường dẫn vào cảng Cát Lái thường xuyên ách tắc nên từ cuối năm 2016, toàn bộ xe container vào cảng phải làm thủ tục online (Trong ảnh: Kẹt xe trên Xa lộ Hà Nội, gần cầu Rạch Chiếc, đoạn dẫn vào cảng Cát Lái) - Ảnh: Đỗ Loan

Cuối năm nay, cảng Cát Lái sẽ bắt buộc 100% xe chở container vào cảng phải làm thủ tục trước trên mạng internet. Đây là một trong những giải pháp giảm thiểu việc dừng chờ vào làm thủ tục gây ùn tắc giao thông xung quanh khu vực cảng.

Thủ tục vào cảng tốn nhiều thời gian

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại đường Đồng Văn Cống vào những ngày cuối tuần qua, xe container vẫn nối đuôi nhau xếp hàng vào cảng Cát Lái (quận 2). Đoạn đường từ cầu Rạch Chiếc đến cảng Cát Lái, hàng trăm xe phải nhích từng chút một. Trong đó, các trục đường ra-vào cảng bị ảnh hưởng như đường: Mai Chí Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), Lương Định Của (quận 2)… Nạn kẹt xe ở đây xảy ra như “cơm bữa”. 

Anh Nguyễn Văn Bảy, tài xế container cho biết, thường xuyên chạy xe container ra-vào cảng Cát Lái chở hàng. Đường Đồng Văn Cống dẫn vào cảng luôn xảy ra kẹt xe. Cao điểm kẹt xe rơi vào các ngày từ thứ tư đến thứ sáu hàng tuần và thời gian kéo dài từ 16h đến 6h sáng hôm sau, thậm chí nhiều xe tải phải mắc võng nằm chờ kẹt xe mấy ngày. Những giờ cao điểm, xe tải, xe máy xếp hàng dài nhiều cây số để chờ vào cảng. 

Trung tá Phạm Văn Tuyến, Phó đội trưởng Đội CSGT Cát Lái thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết, tình trạng ùn tắc khu vực cảng Cát Lái được xác định là do thời gian làm thủ tục lâu, trung bình một xe làm thủ tục vào cảng mất khoảng 5 - 10 phút. Trong đó, có nguyên nhân một số tài xế khi dừng chờ bỏ xe đi làm việc riêng nên xảy ra tình trạng ùn ứ. Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, có thời điểm kéo dài ra đến đường Mai Chí Thọ và Xa lộ Hà Nội. 

Bên cạnh đó, các xe chở container hầu hết không có phụ xe nên lái xe phải cho dừng chờ ở các làn vào trước cổng, sau đó xuống xe đi vào khu làm thủ tục khiến các luồng chờ trước cổng luôn đầy, ùn ứ. Trước đây, có phụ xe thì phụ xe chủ động vào làm thủ tục, xe vào đến cổng là đã có chứng từ nên thời gian chờ đợi ít, luồng chờ trước cổng thông thoáng hơn.

2
Nút giao khác mức tại vòng xoay Mỹ Thủy đang được triển khai xây dựng với số vốn 1.000 tỷ đồng nhằm giảm kẹt xevào cảng Cát Lái

Buộc làm thủ tục qua mạng để tránh ùn tắc

Theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, từ đầu năm 2016, cảng Cát Lái đã áp dụng phương án làm thủ tục xuất - nhập hàng qua internet. Số lượng thực hiện thủ tục này tăng dần, nhưng nay mới chỉ chiếm 15% sản lượng container vào cảng Cát Lái. 

Cũng theo ông Thuấn, cuối năm nay sẽ bắt buộc 100% xe chở container vào cảng phải làm thủ tục trước trên mạng internet để giảm thiểu việc dừng, đỗ chờ vào làm thủ tục gây ùn tắc giao thông trước cổng cảng. Cảng cũng khuyến cáo hãng tàu cho tàu chờ cầu để đảm bảo sản xuất tại cảng ổn định, tàu neo phao trước cảng chờ cầu; Có chính sách khuyến khích khách hàng giao nhận hàng trực tiếp tại cảng Cái Mép, Hiệp Phước nhằm hạn chế tỷ lệ hàng chuyển cảng đích về Cát Lái.

Tới đây, cảng sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển trọn gói trực tiếp từ cảng Hiệp Phước đến kho khách hàng, thay vì phải chuyển container từ Hiệp Phước về Cát Lái, góp phần giảm áp lực cho cảng Cát Lái. Đồng thời, làm việc với Hải quan tạo cơ chế thủ tục linh hoạt trong chuyển đổi cảng đích để khách hàng giao nhận trực tiếp tại cảng Hiệp Phước và Cái Mép.

Về phía Sở GTVT, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, để giảm ùn tắc giao thông ở khu vực cảng Cát Lái, Sở đã nhiều lần họp với các đơn vị liên quan tìm giải pháp khắc phục. Trước đó, một số giải pháp mà Sở này áp dụng đã bước đầu phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), tăng từ hai làn đường thành ba làn đường cho mỗi chiều lưu thông ra-vào cảng; Tách làn đường dành cho xe ôtô và làn đường dành cho xe hai bánh; Mở làn đường rẽ phải từ cầu Kỳ Hà 1 vào đường Nguyễn Thị Định, mở rộng các bán kính rẽ tại vòng xoay Mỹ Thủy; Mở rộng cầu Mỹ Thủy, cầu Giồng Ông Tố 3, lắp đặt trạm cân xe tự động trên cầu Giồng Ông Tố, cầu Kỳ Hà, xây dựng đường chui dưới cầu Mỹ Thủy, mở rộng mặt đường Đồng Văn Cống…

Ngoài ra, Sở GTVT cũng chỉ đạo đơn vị liên quan thường xuyên điều chỉnh lại thời lượng đèn tín hiệu giao thông tại các khu vực vòng xoay Mỹ Thủy, đường vào cổng C cảng Cát Lái - Nguyễn Thị Định, Đường A - Nguyễn Thị Định cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế. Kết nối toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường ra-vào cảng về trung tâm hầm, bổ sung thêm một số camera để theo dõi và điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Về giải pháp lâu dài, Sở GTVT TP đang thực hiện xây dựng nút giao khác mức tại vòng xoay Mỹ Thủy, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng từ ngân sách TP. Xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2 nhằm giảm áp lực giao thông trên tuyến đường Nguyễn Thị Định. Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường vào Khu công nghiệp Phú Hữu), quận 9. Đẩy nhanh thủ tục sớm triển khai xây dựng cầu Cát Lái kết nối với tỉnh Đồng Nai. Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Rạch Chiếc trên Vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội bao gồm nút giao thông Bình Thái.

Theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực dự kiến thông qua cảng Cát Lái khoảng 36 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong năm 2015, khối lượng hàng hóa thông qua đã lên tới 49 triệu tấn. Trung bình có 17 nghìn xe/ngày-đêm ra vào cảng Cát Lái, đặc biệt có nhiều khi lên đến 19 - 21 nghìn xe/ngày-đêm. Trong khi đó, hạ tầng giao thông khu vực chưa hoàn chỉnh, các giao cắt chủ yếu là đồng mức (như nút Mỹ Thủy, An Phú…), khu vực đang trong quá trình xây dựng nên tập trung nhiều phương tiện chở vật liệu xây dựng. 

Theo đại diện cảng Cát Lái, từ tháng 6/2016, cảng đã thực hiện thí điểm tờ khai điện tử qua mạng với hàng xuất đi nước ngoài. Đến nay, số container vào cảng làm thủ tục qua internet khoảng 30%. Thủ tục để các container đăng ký trên mạng rất đơn giản, chỉ cần doanh nghiệp khai đầy đủ thông tin, đóng tiền qua mạng, sau đó lấy mã vạch đến cảng và xuất trình mã vạch, thủ tục vào cảng sẽ nhanh hơn, không mất thời gian chờ đợi. Dự kiến ngày 1/1/2017 sẽ áp dụng với 100% xe container đến cảng.

Ông Trần Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH TM Vận tải dịch vụ Trần Hải cho biết, sau khi đăng ký làm thủ tục tờ khai điện tử và nộp tiền qua mạng, thời gian vào cổng lấy hàng nhanh hơn rất nhiều. Trước kia, phải chờ 10-15 phút vào cổng làm thủ tục thủ công thì nay thời gian vào cổng rút ngắn chỉ còn từ 1-2 phút.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.