Dự kiến mức giá cho thuê trong 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng đối với xe đạp điện.
Xe đạp công cộng đã được thí điểm tại TP.HCM và bước đầu đánh giá là thành công
Hơn 200 điểm trạm trải khắp 9 quận
Sở GTVT Hà Nội vừa “chốt” gần 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy.
“Tại 2 quận còn lại là Hà Đông và Hoàng Mai, chúng tôi đang thống nhất với các bên liên quan để bố trí các điểm còn lại”, đại diện Sở GTVT nói và cho biết: Các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại…
Như vậy, so với kế hoạch trước đó, quy mô dự án đã tăng gấp đôi, từ 1.000 xe lên thành 2.000 xe đạp. Địa bàn thực hiện cũng mở rộng hơn 4 quận, so với con số 5 quận trước đó.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (đơn vị được giao chủ đầu tư dự án) cho biết, chậm nhất quý IV/2022, người Hà Nội đã có thể trải nghiệm dịch vụ mới mẻ này.
Theo đó, xe đạp được sử dụng cho dự án có 2 loại xe đạp truyền thống và xe điện 2 bánh. Dự kiến, chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng đối với xe đạp điện.
Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp cơ và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Trước mắt trong giai đoạn 1 (năm 2022 - 2023) sẽ thực hiện tại 9 quận nói trên. Trong giai đoạn 2 sẽ mở rộng vùng phục vụ, quy mô 3.000 xe, bố trí tại 350 điểm.
100% xã hội hóa
Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Dự án thí điểm sử dụng 100% vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.
Việc phát triển loại hình này nhằm hỗ trợ các loại hình khác như tàu điện, xe buýt, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
“Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ góp phần từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ như truyền thống hiện nay”, ông Long chia sẻ.
PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiêm cứu GTVT Việt Đức đánh giá, việc thí điểm cho thuê xe đạp để kết nối với hệ thống giao thông công cộng là cần thiết để giảm số lượng người sử dụng phương tiện cá nhân, chuyển sang phương tiện công cộng.
“Đây là giải pháp văn minh, giúp giảm ô nhiễm môi trường mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng”, ông Tuấn nói và mong muốn, TP khi mở thêm loại hình này cần tính đến phương án trợ giá cho người dân, sử dụng giá rẻ, sao cho số chi phí đi lại bằng xe đạp công cộng rẻ hơn đi xe cá nhân.
Ông Đỗ Bá Dân, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cho biết, mô hình xe đạp công cộng giá rẻ được thí điểm tại 43 điểm với 388 chiếc xe trên địa bàn quận 1 TP.HCM từ ngày 16/12/2021 đã thu hút được hàng nghìn người sử dụng.
Qua ghi nhận trên hệ thống, rất nhiều người sử dụng dịch vụ cho nhiều chuyến đi. Phản hồi từ người dân sử dụng dịch vụ khá tốt. Nhiều khách hàng đề nghị sớm nhân rộng mô hình tại nhiều quận chứ không chỉ dừng ở quận 1 như hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận