Tài chính

Xe điện “made in Việt Nam” và giấc mơ Đông Nam Á

29/10/2022, 14:00

Từng đạt nhiều giải quốc tế về lĩnh vực công nghệ, Nguyễn Bá Cảnh Sơn không quá khó để ghi dấu ấn công nghệ trong sản phẩm của mình.

Không chỉ ghi dấu ấn công nghệ, Nguyễn Bá Cảnh Sơn đã xây dựng mạng lưới đối tác nội để hoàn thiện một chiếc xe “made in Việt Nam” đúng nghĩa.

Vị CEO không giấu diếm tham vọng mở rộng ra thị trường Đông Nam Á.

Trải nghiệm thú vị

img

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn và chiếc xe máy điện “made in Việt Nam”

Ban đầu chọn mua chiếc xe máy điện Weaver của Dat Bike vì “kiểu dáng kỳ quái”, chị Lê Thị Phương Thúy (Thảo Điền, TP.HCM) không ngờ càng xài càng bị “cuốn” bởi những trải nghiệm mà chiếc xe và đội ngũ quản lý, vận hành thương hiệu này mang lại.

“Từ nhà tôi ở Thảo Điền đến nơi làm việc tại Gò Vấp hơn 20km. Chuyển từ xe Vespa qua xe điện, mỗi lần nhích ga thấy nhẹ bẫng, đi về 40km trong ngày cảm giác khá nhẹ nhàng.

Hồi xe mới ra, thi thoảng vẫn gặp một số lỗi như ga quá bốc hay chết máy khi phanh gấp…

Mang ra hãng, nhân viên hoặc có khi trực tiếp cậu Sơn (Nguyễn Bá Cảnh Sơn, nhà sáng lập, CEO Dat Bike - PV) lập tức kết nối xe với chiếc máy tính, hí hoáy ngồi viết, gõ một hồi rồi bảo “của chị xong rồi đấy”!”, chị Thuý kể và cho biết, do quá ấn tượng, chị mua thêm chiếc nữa.

Khác với chiếc xe đời đầu phải sạc chừng 3 tiếng mới đầy pin, Weaver 200 - phiên bản sau chỉ cần sạc chừng 20 phút, mỗi lần sạc đầy xong chạy được cả trăm cây số.

Mang trải nghiệm nữ khách hàng kể với Nguyễn Bá Cảnh Sơn, CEO Dat Bike cười và khoe, việc phải cắm vào máy tính là xe Weaver đời đầu.

Giờ với phiên bản Weaver 200, cả nhân viên và khách hàng cùng ngồi tại nhà cũng có thể lập trình, sửa lỗi chỉ với một nút trên app của Dat Bike.

Thông qua app này, khách cũng có thể liên tục cập nhật những phần mềm của Dat Bike để sửa đổi hay trải nghiệm những tính năng mới nhất mà không phải đến hãng.

Cũng sử dụng sản phẩm của Dat Bike từ những ngày đầu, anh Phạm Kim Long (trú tại Bình Tân, TP.HCM, đang làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia), đánh giá cao khâu chăm sóc sau bán hàng của Dat Bike.

Khi anh phản ánh xe có lỗi, trong vòng 1 giờ là có người liên hệ rồi mang xe về hãng; tối đa 3 ngày anh được nhận lại xe (trong lúc chờ xử lý, anh được hãng cung cấp xe để dùng thay)...

“Đặc biệt, đội ngũ Dat Bike rất lắng nghe, cầu thị khiến những khách hàng như tôi thấy rất thú vị”, anh Long nhận xét và kể lại: Hồi đầu sử dụng, mỗi lần mang xe đi rửa, hay để ngoài mưa anh phát hiện nước có thể lọt qua lỗ công tắc và đã góp ý để hãng thiết kế lại.

Giờ thì nút bấm đã được tinh chỉnh theo chuẩn châu Âu. So với phiên bản đời đầu, Weaver 200 cũng đã đổi từ đèn halogen sang đèn led giúp tiết kiệm năng lượng…

Hàng vạn phản hồi, cải tiến từng ngày

CEO Dat Bike xác nhận, góp ý của anh Long nằm trong số hàng vạn phản hồi của khách hàng giúp hãng xe máy điện này hoàn thiện sản phẩm.

Có những khách hàng góp ý trực tiếp, nhưng cũng có những phản hồi được tiếp nhận qua thông tin lưu trữ trên chiếc xe. Nhờ đó, sản phẩm không ngừng được hoàn thiện và cải tiến, với tốc độ tính bằng ngày, tuần.

Công nghệ pin là vấn đề đau đầu cho người dùng bởi vì một xe điện bình thường sạc tầm 6 - 8 tiếng chỉ đi được 50 - 100km. Nhưng với xe của Dat Bike chỉ cần sạc 3 tiếng có thể đi 200km. Đặc biệt, Dat Bike vừa ra mắt trạm sạc nhanh ở TP.HCM và mục tiêu tới đây là sẽ mở rộng khắp cả nước.

CEO Dat Bike Nguyễn Bá Cảnh Sơn


“Chẳng hạn, chỉ trong hai tuần đầu mở bán sản phẩm Weaver 200 và nhận lại phản hồi thì Dat Bike đã có những tinh chỉnh đầu tiên về phần mềm, phụ kiện, như ga quá lướt hay phanh quá gấp.

Và nay, sau gần một năm, Weaver 200 đã có hàng trăm cải tiến so với phiên bản hồi mới ra mắt”, Nguyễn Bá Cảnh Sơn nói và cho rằng, sự cầu thị và mô hình hoạt động tích hợp theo chiều dọc (làm chủ từ nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cho đến phân phối trực tiếp đến khách hàng) của Dat Bike đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa khách hàng và nhãn hàng.

Trong đó, các công nghệ mới được tích hợp trên xe của Dat Bike đã mang đến cho người dùng những trải nghiệm và tiện ích vượt trội.

Ví dụ như smart app cho phép khóa mở xe tự động mỗi khi lại gần và tiến ra xa; cập nhật phần mềm từ xa (IoT) giúp xe có thêm các tính năng mới chỉ với một nút bấm trên điện thoại; hay hệ thống phanh động cơ tích hợp vào tay ga...

Dat Bike và đối tác cùng “lớn”

Là một kỹ sư phần mềm từng đạt nhiều giải quốc tế về lĩnh vực công nghệ, quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước của mình tại thung lũng Silicon (Mỹ), trở về Việt Nam khởi nghiệp với thương hiệu xe máy điện Dat Bike, Nguyễn Bá Cảnh Sơn không quá khó để ghi dấu ấn công nghệ trong sản phẩm của mình.

Thách thức nằm ở quá trình mày mò tìm kiếm, kết nối với các nhà cung cấp linh, phụ kiện trong nước để hoàn thiện một chiếc xe điện “made in Việt Nam” đúng nghĩa.

Thời gian đầu, anh và một số cộng sự còn chọn đại linh kiện, phụ tùng để sản xuất mẫu thử. Thậm chí, ốc vít, sắt thép, lẽ phải là dòng chuyên để lắp ráp xe máy thì anh sử dụng loại cho xây dựng.

Có phụ tùng như lốp thì mua tại cửa hàng bán, sửa chữa xe. Trải qua một thời gian dài tháo ra lắp vào như thế, chính các chủ cửa hàng này đã chỉ cho anh một số nhà cung cấp gốc. Nhưng khi tìm đến, họ chủ yếu cung cấp cho các công ty lớn, với số lượng lớn.

“May mắn là sau khi tôi xuất hiện ở chương trình Shark Tank, một số nhà cung cấp đã chủ động kết nối với mong muốn cùng tôi tham gia cuộc chơi, rồi lại giới thiệu thêm các đối tác khác.

Cứ vậy, mạng lưới công nghiệp phụ trợ của Dat Bike được dần hình thành, hoàn thiện”, Nguyễn Bá Cảnh Sơn kể.

Từ một đội ngũ 4 - 5 người thay nhau làm đủ công việc, từ thiết kế, chế tạo, tìm nhà sản xuất đến bán hàng, chăm sóc khách hàng…, đến nay Dat Bike đã có trong tay hơn 200 nhà cung cấp, trong đó 90% đến từ Việt Nam.

Không chỉ mở rộng mạng lưới, Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho rằng, giá trị lớn hơn mà cả Dat Bike và các đối tác nhận được đó chính là “lớn lên cùng nhau”.

CEO Dat Bike vẫn nhớ như in, với những chiếc xe đầu tiên, hộp pin chỉ là một mặt phẳng trơ trọi, vì phải đúc bằng cát thay vì đúc bằng khuôn thép (để tiết kiệm).

Khoảng 100 xe đầu tiên mang phong cách hàng handmade như thế, do chính CEO Dat Bike trực tiếp thiết kế, sản xuất.

Sau khi những chiếc Weaver đầu tiên đến tay khách hàng, Dat Bike cũng có thêm nhà đầu tư, linh phụ kiện bắt đầu được thiết kế và đặt hàng riêng, ít “đụng hàng” với các mẫu xe khác trên thị trường. Đặc biệt, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cũng từng bước nâng lên.

Nhiều nhà cung cấp ban đầu sử dụng công nghệ cũ, chẳng hạn như gia công cơ khí, có những máy móc vẫn chỉ loại 3 - 4 trục, sau khi hợp tác với Dat Bike phải đầu tư máy 5 trục…

Đại diện THACO Industries - Tập đoàn cơ khí và CNHT thuộc THACO cho biết, THACO Industries đã hợp tác cung cấp rất nhiều sản phẩm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cho đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là chi tiết cơ khí và linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô và xe máy tại Việt Nam.

"Đối với Dat Bike, chúng tôi chế tạo, gia công và cung cấp các chi tiết linh kiện cơ khí, bộ dây diện, bộ linh kiện nhựa (gồm ép phun và sơn các linh kiện nhựa trên dây chuyền sơn bằng robot hiện đại của THACO Industries.

Tỷ trọng các chi tiết, linh kiện này trên sản phẩm của Dat Bike là từ 40 – 50%. Sắp tới chúng tôi sẽ làm thêm khung sườn xe.

Theo chúng tôi, Dat Bike là doanh nghiệp startup đầy tiềm năng phát triển và được các quỹ đầu tư mạo hiểm xem xét đầu tư.

THACO Industries sẽ hỗ trợ, cùng Dat Bike thực hiện R&D sản phẩm linh kiện phụ tùng, đặc biệt là các dòng xe phát triển mới, hướng đến cung cấp chi tiết, linh kiện với tỷ trọng cao hơn, để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa", đại diện THACO Industries nói.

Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết, dẫu chưa có lãi, song hiện cả sản lượng xe sản xuất và doanh số của Dat Bike đã tăng gấp khoảng 15 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trước mắt, sản phẩm đang hướng tới khách hàng trẻ từ 25 - 40 tuổi, giá bán khoảng 55 triệu đồng/chiếc.

Nhưng trong tương lai, Dat Bike sẽ tiếp tục cải tiến về kiểu dáng, mẫu mã để “phủ sóng” rộng hơn, không chỉ là thị trường Việt Nam mà với tham vọng lớn hơn là thị trường Đông Nam Á.

Giá bán niêm yết mà Dat Bike đưa ra cho Weaver 200 là 54,9 triệu đồng, tương đương với các dòng xe tay ga cận cao cấp.

Xe khối lương 120kg, trang bị động cơ điện 6000W với tốc độ tối đa đạt được là 90km/h và có thể đạt tốc độ 50km/h chỉ sau 3 giây - mạnh mẽ ngang ngửa các mẫu xe chạy xăng động cơ 150 - 200cc.

Trong khi đó, xe máy điện Vinfast có mức giá dao động từ 23 - 39 triệu đồng, tùy phiên bản; xe máy điện Honda giá dao động từ 18 - 21 triệu đồng; hãng Vespa là từ 17 - 21 triệu đồng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.