Đường bộ

Xe điện thay đổi cục diện thị trường gọi xe công nghệ

22/02/2025, 06:05

Việc chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe xanh sẽ là tương lai của ngành vận tải Việt Nam, tác động lớn tới thị trường gọi xe công nghệ.

Hành khách và tài xế đổi thói quen

Bắt đầu từ một lần cùng bạn bè đi taxi điện, anh Nguyễn Xuân Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã thay đổi thói quen, từ chỗ là khách hàng thân quen của Grab, anh đã chuyển sang hãng taxi điện Xanh SM.

Xe điện thay đổi cục diện thị trường gọi xe công nghệ- Ảnh 1.

Xanh SM đã vươn lên dẫn đầu thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam trong năm 2024, chiếm 37,41% thị phần trong quý 4/2024, vượt qua Grab.

"Khi taxi công nghệ xuất hiện tôi đã lựa chọn để di chuyển. Nhưng đến nay có nhiều xe cũ, tài xế nhiều người không còn thân thiện. Giờ tôi chuyển hẳn sang dùng xe taxi điện", anh Quang nói.

Không chỉ hành khách, nhiều tài xế cũng muốn tìm kiếm sự thay đổi. Anh Hồ Minh Tùng (Đô Lương, Nghệ An) là người từng nhiều năm chạy xe cho Grab đã quyết định chuyển sang làm tài xế taxi điện.

"Thu nhập bỏ túi đến từ khoản lương cứng, hoa hồng và nhiều mức thưởng, tôi có thể kiếm được đến 20 - 25 triệu đồng. Chiết khấu của các hãng khác cao nhất lên đến 38% thì Xanh SM là 27%, mức chiết khấu này tốt cho thu nhập của tài xế", anh Tùng chia sẻ.

10 năm trước, thị trường gọi taxi công nghệ tại Việt Nam có cuộc tái cấu trúc lớn khi các hãng xe công nghệ như: Grab, Uber, Gojek gia nhập thị trường, tạo ra hai thái cực là taxi truyền thống và taxi công nghệ. Khi đó, các hãng xe công nghệ nhanh chóng được người dân đón nhận vì sự thuận tiện, minh bạch giá cước, nhiều ưu đãi.

Thay đổi cục diện

Suốt thời gian dài, sự thống lĩnh của Grab trên thị trường gọi xe công nghệ khiến nhiều người cho rằng rất khó để doanh nghiệp Việt giành lại thị phần.

Tuy nhiên, sau 10 năm, sự xuất hiện của nền tảng đa dịch vụ thuần điện lớn nhất Việt Nam là Xanh SM vào tháng 4/2023 đã tạo ra một sự thay đổi lớn. Sau hơn nửa năm trình làng, từ con số 0, tân binh này đã chiếm gần 20% thị phần, đứng thứ 2 thị trường.

Theo báo cáo từ Q&Me, đến đầu năm 2024, Grab là hãng xe được người Việt sử dụng nhiều nhất với 42% người Việt lựa chọn ứng dụng này khi sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy, Be và Xanh SM lần lượt chiếm 32% và 19%.

Theo báo cáo mới nhất của Mordor Intelligence công bố đầu tháng 2/2025, Xanh SM đã vươn lên dẫn đầu thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam trong năm 2024, chiếm 37,41% thị phần trong quý IV/2024 (vượt qua Grab - 36,62%).

Theo đánh giá của một chuyên gia giao thông, Xanh SM đã tìm cho mình lối đi riêng khi tự chủ về nguồn xe, tài xế được tuyển và đào tạo bài bản, đặc biệt là không tăng giá như các ứng dụng ngoại khi thời tiết xấu, giờ cao điểm.

Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ không phải là "đòn bẩy" chủ lực để Xanh SM vượt lên dẫn đầu thị phần, mà chủ yếu giá trị mang lại từ dàn xe mới, cung cách phục vụ và tốc độ bao phủ nhanh trong thời gian ngắn.

Cuộc chiến giữa mới và cũ

Còn nhớ cách đây 10 năm, Grab và Uber trở thành thương hiệu khai mở thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Khả năng biết trước giá cước và thanh toán không tiền mặt là ưu điểm khiến dịch vụ này thu hút người dùng.

Xe điện thay đổi cục diện thị trường gọi xe công nghệ- Ảnh 2.

Mở rộng dịch vụ taxi điện sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình giảm phát thải mà Chính phủ đặt ra. Ảnh: Tạ Hải.

Giai đoạn đầu, khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, xe công nghệ không có nhận diện, không hạn chế về số lượng xe, thoải mái đón khách tại những khu vực cấm taxi hoạt động... là những ưu thế mà taxi truyền thống không có được.

Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ tài xế và khách hàng, chỉ sau thời gian ngắn, ứng dụng gọi xe ngoại nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với thị phần chiếm khoảng 70%.

Sức "công phá" của taxi công nghệ khiến thị trường vận tải của taxi truyền thống bị chao đảo. Taxi truyền thống liên tục phản ứng vì cho rằng đang bị cạnh tranh không lành mạnh khi bị trói buộc bởi nhiều điều kiện kinh doanh khắt khe.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn là vụ việc Vinasun kiện Grab ra tòa vì lý do đối thủ kinh doanh không lành mạnh, làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp taxi truyền thống. Đây là vụ kiện đầu tiên trên thế giới giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một doanh nghiệp vận tải ứng dụng công nghệ.

Trong bối cảnh đó, taxi truyền thống cũng thay đổi cách thức hoạt động để tìm đường sống. Những chiến lược mới được đưa ra như cam kết không tăng giá giờ cao điểm, xây dựng ứng dụng gọi xe riêng và vận hành không khác biệt nhiều so với Grab.

Chỉ đến khi Nghị định 10/2020 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành mới chính thức khép lại "cuộc chiến" về loại hình vận tải, điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và xe công nghệ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận, với hành lang pháp lý mới, trật tự vận tải được tái lập, nhà nước quản lý các hoạt động vận tải, còn doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định.

Lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT đánh giá, sự ra đời của Nghị định số 10/2020 thay thế Nghị định số 86/2014 là cú huých cho sự phát triển của các đơn vị kinh doanh vận tải. Việc cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh đối với cả loại hình xe taxi và xe hợp đồng tạo ra môi trường kinh doanh, cạnh tranh minh bạch và bình đẳng.

Cạnh tranh vẫn rất khốc liệt

Thực tế cho thấy, sự phát triển của xe công nghệ trong 10 năm qua đã thay đổi cách người dùng tiếp cận giao thông và cơ hội việc làm. Với việc ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành, người dùng có thể đặt xe dễ dàng, nhanh chóng và an toàn hơn.

Các công ty lớn như Grab và những ứng dụng nội địa như Be, Xanh SM đã tạo nên một hệ sinh thái phong phú, phục vụ không chỉ nhu cầu di chuyển mà còn mở rộng sang giao hàng, giao đồ ăn, và các dịch vụ tài chính.

Theo báo cáo từ Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam đạt khoảng 1,17 tỷ USD năm 2024 và dự kiến sẽ tăng trưởng lên mức 3,19 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là hơn 22% trong giai đoạn 2024 - 2029.

PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, với sự ra đời của các phương tiện xanh như xe điện, điển hình là Xanh SM, tương lai của taxi công nghệ sẽ ngày càng thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm đô thị. Các nền tảng này cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào AI, dữ liệu lớn và phân tích hành vi người dùng để cải thiện dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

Tuy nhiên, xe công nghệ vẫn đối diện với nhiều thách thức. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự ra mắt của các nền tảng mới đòi hỏi các ứng dụng phải không ngừng cải tiến dịch vụ.

Theo GS. TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, kết quả kinh doanh của Xanh SM hiện nay sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng mạnh dạn đầu tư chuyển đổi dần sang xe thân thiện với môi trường. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu làm việc này như: Mai Linh, ASV Airports Taxi, Én Vàng, Lado Taxi...

Việc chuyển đổi sang xe điện có thể coi là cuộc tái cấu trúc lần thứ hai của lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.