Thế giới giao thông

Xe điện Trung Quốc đè bẹp “ông lớn” trong nội địa

17/08/2022, 07:12

Trung Quốc, đất nước 1,4 tỷ dân, được nhiều hãng xe điện trên thế giới coi là thị trường chính.

Nhưng thời gian gần đây các hãng xe nước ngoài đã “vỡ mộng” vì người mua xe ở Trung Quốc không còn chuộng xe của các hãng nước ngoài.

Thị trường phân hóa rõ rệt

Trung Quốc hiện là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Theo báo cáo đánh giá thị trường xe điện Trung Quốc của Maximize Market Research, xét về hiệu suất tổng thể, trong 1 thập kỷ tính đến năm 2020, Trung Quốc đã thành công trong phát triển thị trường xe điện và trở thành ngành công nghiệp xe điện lớn nhất thế giới.

Năm 2021, thị trường xe điện nước này đã đạt 124,2 tỷ USD, dự kiến tăng lên 799 tỷ USD vào năm 2027. Theo Maximize Market Research, quy mô thị trường xe điện Trung Quốc ước tính tăng trưởng 17,1% hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2029.

img

BYD đã vượt qua Tesla về doanh số bán xe điện. Nguồn: Getty Images

Đáng nói, dù các thương hiệu ô tô thế giới đều coi Trung Quốc là thị trường chính nhưng thị phần ô tô xe điện tại Trung Quốc lại có sự phân hóa rõ rệt giữa các công ty trong nước và nước ngoài. Ngoại trừ Tesla đến từ Mỹ, 4/5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Trung Quốc đều là thương hiệu “cây nhà lá vườn”.

Theo cơ sở dữ liệu chuyên về ngành ô tô EV Volumes, trong thời gian từ tháng 1 - 5/2022, Tesla nắm giữ 6,6% thị phần - lớn thứ ba trên thị trường xe điện của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ khi so với quy mô thị trường và sức ảnh hưởng từ các “ông lớn” khác, đặc biệt là 4 đối thủ mạnh mẽ nhất từ nội địa Trung Quốc, là BYD, SGMW, Chery và GAC.

Cụ thể, BYD là nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc. Tập đoàn này có trụ sở tại Quảng Châu và chiếm 27,9% thị phần tại Trung Quốc trong cùng kỳ.

Tiếp đó là SAIC-GM-Wuling (SGMW), liên doanh giữa ba công ty SAIC Motor, General Motors và Liuzhou Wuling Motors Co Ltd, được thành lập vào năm 2002, chiếm 10.1% thị trường.

Họ có một mẫu xe điện nhận được rất nhiều chú ý là Wuling Hongguang Mini EV. Đây là mẫu xe điện rẻ nhất Trung Quốc (bản thấp nhất là 28.8000 NDT - khoảng 4.104 USD) và cũng là chiếc xe điện bán chạy nhất năm 2021 tại thị trường này.

Một cái tên nữa là Chery, tập đoàn ô tô quốc doanh có trụ sở tại tỉnh An Huy và được thành lập vào năm 1997. Chery chiếm 4,9% thị phần trong nước từ tháng 1 đến tháng 5/2022.

Hãng này nổi tiếng với chiếc Chery QQ Ice Cream - cũng là một trong những chiếc xe điện rẻ nhất trên thị trường (với giá khoảng 29.000 NDT).

Cuối cùng, công ty ô tô Nhà nước GAC cũng chiếm 4,2% thị phần xe điện Trung Quốc, theo dữ liệu của EV Volumes.

Như vậy, những “vị vua” của ngành ô tô toàn cầu như General Motors và Volkswagen gần như mất dấu so với các đối thủ địa phương trên thị trường xe điện Trung Quốc.

Giá rẻ, chất lượng cải thiện

Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho tình trạng xe điện nước ngoài khó cạnh tranh tại Trung Quốc. Đầu tiên, ngay từ năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã có chính sách thúc đẩy ngành xe điện nước này phát triển mạnh và hướng tới mục tiêu là trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu.

Trong đó, các công ty sản xuất ô tô trong nước liên tục nhận được nhiều hỗ trợ của chính phủ để phát triển xe điện vì đây là một ngành mũi nhọn trong kế hoạch “Made in China 2025” của nước này.

img

Top 20 công ty nhận trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc năm 2021, trong đó có nhiều công ty ô tô với mục tiêu phát triển xe điện. Nguồn: Nikkei Asia

Theo dữ liệu Nikkei Asia, trong Top 10 công ty nhận được trợ cấp của Nhà nước vào năm 2021, SAIC Motor, nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước này đứng ở vị trí dẫn đầu với 4,03 tỷ NDT (598 triệu USD), tăng 31% so với năm trước đó, soán ngôi vương từ China Petroleum & Chemical (Sinopec) - vốn thống trị trong nhiều năm qua.

Ba nhà sản xuất ô tô khác cũng lọt vào Top 10 là BYD, Great Wall Motor và Tập đoàn ô tô An Huy Jianghuai (JAC). Trong báo cáo thường niên mới nhất, BYD - hãng vừa vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới về số lượng xe bán ra đã tiết lộ hơn một chục khoản trợ cấp bao gồm các khoản tiền lớn từ quỹ phát triển công nghiệp để hỗ trợ phát triển xe điện và pin xe điện.

Hãng JAC cũng tiết lộ về hơn 20 khoản trợ cấp, trong đó, khoản hỗ trợ lớn nhất là cho dự án “phát triển xe tải điện hạng nhẹ cao cấp”.

Các khoản trợ cấp của chính phủ nước này cho JAC cũng gần như tăng gấp đôi trong ba năm qua. Tiếp đó, xe điện Trung Quốc cũng đang có nhiều ưu thế khi so sánh với các công ty nước ngoài.

Về mặt giá cả, các mẫu xe điện của Trung Quốc dễ tiếp cận với thị trường hơn các mẫu xe từ các thương hiệu quốc tế lớn vì có giá rẻ.

Theo các chuyên gia ô tô, trong khi mẫu bán chạy Yuan EV của BYD có giá từ 89.000 NDT (13.500USD) đến 109.900 NDT (16.200USD); mẫu xe Bajoun E100 với 2 chỗ ngồi của SAIC có giá khoảng 35.800 NDT (5.300 USD) thì Tesla Model 3 có giá tới 35.000 USD. Chưa kể, mẫu X của Tesla được đưa ra thị trường với giá khởi điểm 88.000 USD và mẫu S là 79.000 USD.

Về mặt chất lượng, các chuyên gia tư vấn của McKinsey cho rằng, các công ty Trung Quốc có thể sản xuất thân ô tô an toàn, nhẹ hơn so với các đối thủ quốc tế. Họ cũng có quyền tiếp cận với công nghệ sản xuất pin hiện đại từ các “ông lớn” hàng đầu như Amperex Technology - nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới.

Danh tiếng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng đang ngày càng tăng. Họ đang vươn ra thế giới bằng cách tiếp tục tái đầu tư lợi nhuận để đối đầu với những “gã khổng lồ” phương Tây ở các thị trường khác. Ngay tháng 8 này, BYD đã xuất xưởng lô hàng 1.000 chiếc SUV đầu tiên - ATTO 3 đến Australia.

Ông Makoto Uchida, Giám đốc điều hành Nissan, từng là lãnh đạo Nissan tại Trung Quốc nhận định, một số thương hiệu ô tô quốc tế “có thể biến mất trong 3 - 5 năm tới” ở thị trường “tỷ dân”. Các thương hiệu địa phương đang trở nên mạnh mẽ hơn, chất lượng xe điện từ các nhà sản xuất Trung Quốc đang được nâng cấp nhanh chóng, trong đó một số cải tiến được thực hiện chỉ trong vài tháng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.