Chiếc xe đưa đón học sinh trong vụ TNGT ở Gia Lai |
Nhiều bất cập trong hộ kinh doanh cá thể
Theo Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 86 xe ô tô khách tham gia đưa đón học sinh tại các trường học từ trung học phổ thông đến tiểu học (chiếm khoảng 11% số lượng phương tiện vận tải khách của tỉnh). Các phương tiện này thực hiện vận chuyển học sinh theo hành trình cố định với khoảng cách từ 5 km đến 15 km.
"Sau vụ TNGT này, tôi có trao đổi với lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Gia Lai về vụ việc. Theo đó, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất của Sở GTVT Gia Lai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển học sinh đi học bằng xe ô tô để hạn chế các em học sinh hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường..." Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái nêu ý kiến. |
Vấn đề xe chở học sinh tại Gia Lai trong những năm qua được biết, Sở GTVT đã có nhiều kiến nghị với UBND tỉnh, Bộ GTVT về việc điều chỉnh để vận chuyển học sinh: Xe chạy theo tuyến cố định, tần suất thay đổi theo giờ nhập học và tan học của học sinh; thực hiện đón trả học sinh tại các điểm cố định dọc theo hành trình; bán vé tháng hoặc từng lượt đi, suốt tuyến hoặc nửa tuyến theo nhu cầu của học sinh.
Đây là một mô hình hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều tiện ích thực tế, được nhiều trường học, phụ huynh và học sinh ủng hộ, vừa hạn chế được tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy phân khối lớn đến trường, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giúp phụ huynh tiết kiệm được thời gian đưa đón và giám sát được con em đi về đúng giờ, hạn chế được tình trạng la cà hàng quán, tụ tập bạn bè,…
Theo Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định các loại hình kinh doanh vận tải gồm: Vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô và vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.
Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi hoạt động của xe đưa đón học sinh, Sở GTVT nhận thấy việc quy định xe vận chuyển học sinh thuộc loại hình vận tải khách theo hợp đồng là không phù hợp, còn nhiều bất cập. Cụ thể: về tiêu chí xác định xe hợp đồng và hạn chế khi áp dụng vận chuyển học sinh. Trong đó, xe vận chuyển khách theo hợp đồng chỉ đón và trả khách tại một điểm cụ thể, không dừng đón trả khách dọc đường trong suốt hành trình và phải có danh sách hành khách kèm theo. Trong khi vận chuyển học sinh buộc phải đón và trả học sinh tại nhiều điểm trên suốt hành trình giống như xe buýt”.
“Xe vận chuyển khách theo hợp đồng thường chở khách với hành trình dài, phải có đủ số ghế cho hành khách đi trên xe, hành khách không phải đứng trên hành trình. Còn đối với xe vận chuyển học sinh thì vận chuyển trên những đoạn đường ngắn, các chủ phương tiện có thể sử dụng loại phương tiện xe buýt theo tiêu chuẩn Việt Nam để phục vụ học sinh, học sinh có thể đứng trên hành trình có cự ly ngắn. Nếu loại hình vận chuyển học sinh xếp theo hợp đồng buộc chủ phương tiện phải bố trí đủ số ghế trên xe cho học sinh, điều này rất kho khăn bởi lượng học sinh trên mỗi chuyến xe khá đông, chủ phương tiện buộc phải tăng giá thành vận chuyển lên rất nhiều nếu đáp ứng được điều này, ngược lại việc tăng giá thành sẽ khó thu hút được nhiều học sinh tham gia, trong khi đây là một mô hình hoạt động khá tốt.
Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái (thứ 2, phải sang), ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc sở GTVT, Phó ban ATGT tỉnh Gia Lai (thứ 3, phải sang) cùng đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên gia đình có học sinh tử nạn trong vụ TNGT giữa xe đưa đón học sinh và xe tải. |
Cần phải quản lý chặt từ quản lý doanh nghiệp
Cũng theo ông Quế, “Nghị định 91/2009/NĐ-CP cho phép hộ kinh doanh được kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, tuy nhiên hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho xe hợp đồng đối với hộ kinh doanh cá thể và tổ chức là rất khác nhau, thủ tục của hộ cá thể rất đơn đơn giản, hay nói cách khác hộ kinh doanh chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là được, trong khi đây là nghề kinh doanh có điều kiện. Từ đó, dẫn đến việc một cá nhân chỉ có một xe vẫn có thể kinh doanh loại hình xe vận chuyển học sinh, trong khi loại hình này vận chuyển người và chủ yếu hoạt động trong khu vực đông dân cư có nét tương đồng với xe buýt. Bên cạnh đó, nếu xe vận chuyển khách theo hợp đồng thì mô hình này sẽ hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, nên công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Nên chăng, quy định xe vận chuyển học sinh thuộc loại hình vận tải khách bằng xe buýt khi đó quy mô lớn của một doanh nghiệp, công ty thì hoạt động sẽ bài bản hơn, có tổ chức bộ máy, bộ phận quản lý các điều kiện an toàn giao thông, người điều hành vận tải,… vừa mang lại sự văn minh cho các đô thị, trung tâm đông dân và công tác quản lý của cơ quan chức năng cũng sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt đang là xu hướng phát triển tại các đô thị, khu đông dân và được nhà nước khuyến khích đầu tư tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020. Ngoài ra, đây là loại hình được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước như: Không phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT), được miễn tiền thuê đất khi thuê đất xây dựng trạm bảo dưỡng sửa chữa, bãi đỗ xe buýt, được quảng cáo trên xe buýt và sử dụng nguồn thu từ quảng cáo để hỗ trợ cho hoạt động của xe buýt, được ưu tiên trong việc vay vốn mua sắm phương tiện, được UBND cấp tỉnh ưu tiên hỗ trợ cho hoạt động mà việc này hiện nay ở một số tỉnh, thành phố lớn đã áp dụng. Khi được hưởng các chính sách trên chắc chắn loại hình xe buýt sẽ có giá thành thu hút hơn đối với xe hợp đồng, khi đó sẽ có nhiều học sinh đi xe ô tô đến trường hơn và tình trạng sử dụng xe mô tô đến trường của học sinh sẽ giảm, số lượng phương tiện cá nhân giảm xuống, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần kiềm chế và giảm tai nạn giao thông.
“Phải đưa loại hình vận tải doanh nghiệp hộ kinh doanh cá thể vào doanh nghiệp mới được phép kinh doanh. Thứ nhất về phương tiện mới đảm bảo. Thứ hai, sức khoẻ con người đảm bảo. Ví dụ, đưa đón học sinh thứ 2-7, tài xế phải thường xuyên chạy trên đường, nếu người lái xe mệt mỏi thì cũng phải ráng chở. Hoặc nếu không đảm bảo sức khoẻ nữa thì người chủ này “thuê tạm” một lái xe khác chở để cho học sinh đến trường… Điều này vô cùng tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Vậy nên, kiến nghị Bộ GTVT, cần phải thay đổi quy định trong kinh doanh vận tải. Theo đó Sở Giao thông vận tải Gia Lai kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải trong quá trình soạn thảo, sửa đổi các văn bản pháp luật trong hoạt động vận tải hiện hành, quan tâm thay đổi quy định đối với loại hình vận chuyển học sinh thành loại hình vận tải khách bằng xe buýt.
Trao đổi với Báo Giao thông, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho rằng, Việc tổ chức đưa đón học sinh cho các cháu bằng xe ô tô là hoạt động đảm bảo ATGT hơn so với các cháu tự đi bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy dung tích dưới 50cm3. Tuy nhiên, việc bảo đảm ATGT đối với những người trực tiếp điều khiển phương tiện xe đưa đón học sinh cần phải tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ. Vì việc đưa đón học sinh trong quãng đường ngắn, đối tượng học sinh và trẻ em là điều rất nhạy cảm, vậy nên việc tổ chức đưa đón học sinh cần phải đầy đủ điều kiện, từ phương tiện đến người lái xe.
Trong loại hình kinh doanh vận tải học sinh là loại hình kinh doanh có điều kiện, vậy nên cần tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải. Hơn nữa, việc tổ chức đưa đón học sinh trong vụ TNGT giữa xe học sinh và xe tải trên QL 19 cho thấy rằng nguyên nhân xuất phát từ tài xế chở học sinh. Việc thiếu quan sát, điều khiển xe không tuân thủ ATGT đã cho thấy đây là điều đáng lo ngại. Tại vì điều kiện đường sá như nhiều tỉnh thành như ở Tây Nguyên có đồi dốc cao, cua gấp, tài xế điều khiển chỉ cần sơ sẩy là hậu quả khôn lường. Vậy nên người lái xe bất cứ trường hợp nào cũng phải làm chủ được phương tiện, đảm bảo tham gia giao thông đúng luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận