Xe Kumho Giỏi Hoa làm giả giấy phép, ung dung qua 4 tỉnh thành là Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Hà Nội. |
Đề nghị làm rõ tại sao Giỏi Hoa ung dung qua 4 tỉnh
Ngày 17/3, Báo Giao thông có đăng tải bài viết "Xe Giỏi Hoa giả giấy phép, ung dung qua 4 tỉnh". Bài viết phản ánh tình trạng xe khách Kumho Giỏi Hoa mang BKS Thái Bình đã hết hạn phù hiệu nhưng vẫn hoạt động.
Thậm chí, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhà xe này còn làm giả giấy phép vào phố cấm, giá mạo chữ ký, con dấu của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội.
Liên quan đến thông tin nói trên, nhiều độc giả của Báo Giao thông đã tỏ ra bức xúc và đề nghị làm rõ những sai phạm liên quan đến nhà xe này. Cụ thể, độc giả tên Yến đề nghị làm rõ "tại sao xe Giỏi Hoa có thể lọt cả 4 tỉnh và ai phải chịu trách nhiệm trong việc này"?
Bạn Ngọc Minh đặt nghi vấn rằng: "Không thể hiểu nổi tại sao xe hết hạn, chạy dù có thể lọt qua cả 4 tỉnh mà Sở và BX Thái Bình không hề hay biết. Kumho Giỏi Hoa cũng như rất nhiều nhà xe đang chạy dù hàng ngày ngay trước mắt rất nhiều người như tại sao chỉ khi báo chí vào cuộc thì mới "kiểm tra và xử phạt"?
"Các cơ quan chức năng vào cuộc, xử 1 vài trường hợp xong đâu lại vào đấy. Xe dù vẫn lộng hành dù được "chấn chỉnh". Kinh doanh vận tải giờ không chỉ chạy chọt, xin xỏ thậm chí còn dám làm giả giấy phép của Công an Hà nội?! Luật pháp, chế tài ở đâu mà nhà xe dám ngang tàng như vậy?" bạn đọc tên Tuấn bức xúc cho biết.
Nhiều bạn đọc của Báo Giao thông cho rằng, với những sai phạm nói trên của xe Giỏi Hoa thì không chỉ đình chỉ, thu hồi giấy phép mà còn cần điều tra làm rõ.
Giỏi Hoa giả mạo giấy phép, có dấu hiệu phạm luật hình sự?
Độc giả bức xúc với việc Kumho Giỏi Hoa có thể lọt qua 3 tỉnh thành và giả mạo giấy tờ. |
Liên quan đến việc Kumho Giỏi Hoa làm giả giấy phép vào phố cấm, giả mạo chữ ký, con dấu của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, PV Báo Giao thông đã có trao đổi với luật sư để làm rõ sai phạm của nhà xe này.
Cụ thể, trao đổi với PV, luật sư Lê Ngọc Hà (Trưởng văn phòng luật sư Đa Phúc, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, hành vi làm giả giấy tờ, giả chữ ký và con dấu của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội có dấu hiệu phạm tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo luật sư Hà, người có hành vi làm giả giấy tờ, giả chữ ký và con dấu của cơ quan Công an có thể bị khởi tố, điều tra ở tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự hay không cần phải gắn với các tình huống, điều kiện cụ thể mới đủ căn cứ xác định được chính xác.
Ví dụ: Người vi phạm là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Còn người vi phạm là người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Người thực hiện hành vi vi phạm trong khi đang bị mắc bện tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều luật quy định về 2 nhóm hành vi, người nào phạm phải 1 trong 2 nhóm hoặc phạm cả 2 nhóm hành vi này thì đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm:
Nhóm hành vi thứ nhất: làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: làm giả giấy tờ, giả chữ ký và con dấu của Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội để bán cho người có nhu cầu mua.
Nhóm hành vi thứ hai: sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đã làm giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Ví dụ: sử dụng giấy tờ giả, con dấu làm giả của Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội để lừa CSGT, cơ quan có thẩm quyền khi bị kiểm tra giấy tờ. Hay trường hợp đóng dấu giả của Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội vào các văn bản, tài liệu để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
Nếu hành vi lừa dối có mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị hại thì người vi phạm có thể bị khởi tố thêm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận