Xe hợp đồng trá hình luồn lách khắp các con đường trong thành phố, bắt khách của các nhà xe chạy tuyến cố định - Ảnh: Tạ Tôn
|
Trong khi các nhà xe tuyến cố định phải vào bến, chạy theo nốt rất nghiêm ngặt thì xe hợp đồng trá hình lại tìm cách lách luật, không bị chi phối bởi các điều kiện kinh doanh vận tải và né được nhiều loại thuế, phí. Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong hoạt động vận tải mà còn khiến các nhà xe tuyến cố định đối mặt với nhiều khó khăn và nguy cơ phá sản, vỡ nợ.
Xe tuyến cố định gồng mình đóng đủ loại thuế, phí
Là doanh nghiệp có khoảng 40 xe khách chạy tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng, ông Đặng Đình Thoại, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải Thanh Long (Hải Phòng) bức xúc, việc các nhà xe núp bóng xe hợp đồng đón trả khách trong thành phố, mà không bị kiểm soát lại không phải tốn các khoản phí như: Phí xuất bến, thuế VAT trên mỗi vé…đang gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh và dần “giết chết” những xe hoạt động trong bến.
“Chỉ tính riêng phí hai đầu bến doanh nghiệp tôi đã mất gần 1 triệu đồng/xe. Chưa kể đến khoản thuế phải nộp hàng tháng khoảng gần 2 triệu đồng/xe nữa. Theo tính toán của tôi, chỉ riêng “ăn bớt” được các khoản này xe hợp đồng trá hình đã để ra được hàng chục triệu đồng/tháng/xe. Họ không bị kiểm soát bởi các điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách mà xe tuyến cố định phải chấp hành. Dù quy định phải lắp thiết bị giám sát hành trình, đóng bảo hiểm, khám sức khỏe cho lái xe... nhưng đa phần nhà xe hợp đồng trá hình không thực hiện khiến họ có nhiều lợi thế so với xe tuyến cố định. Đây thực sự là cuộc cạnh tranh không lành mạnh và không cân sức khiến doanh nghiệp vận tải tuyến cố định khó sống nổi”, ông Thoại than thở.
"Các xe tuyến cố định phải đăng ký luồng tuyến, đăng tài, tổ chức phòng vé và xuất bán vé nên không thể thất thu các loại thuế phí theo quy định. Trong khi các xe hợp đồng trá hình gần như không thực hiện những điều này. Đây rõ ràng là bất bình đẳng”. Ông Lê Viết Hoàng |
Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hợp tác xã Vận tải Thăng Long (Hà Nội) cho biết, trong khi xe tuyến cố định phải phát hành vé và phải kê khai nộp thuế VAT 10% trên mỗi vé xe bán ra thì xe giả danh xe hợp đồng được hưởng lợi lớn từ việc không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế do không phát hành vé mà chỉ đặt chỗ và đón khách tại nhà và không xuất hóa đơn cho khách. Ngoài ra, xe tuyến cố định phải chịu nhiều chi phí về dịch vụ bến xe như: Phải nộp lệ phí bến 300.000 đồng/chuyến, tiền thuê quầy bán vé 5 triệu đồng/tháng. Tính sơ sơ các chi phí mỗi tháng tốn hàng chục triệu đồng. Điều quan trọng loại xe này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải, mất trật tự ATGT do có thể “đại náo” bất kể tuyến đường nào, kể cả trong nội đô.
Các nhà xe tuyến cố định tại Đà Nẵng cũng tỏ rõ sự bức xúc trước trình trạng xe trá hình, núp bóng hợp đồng, du lịch ngày một biến tướng. Bà Nguyễn Thị Kim, nhà xe tuyến cố định Đà Nẵng - Huế cho biết, trong khi nhà xe tuyến cố định ở đây phải đóng 150.000 - 170.000 đồng/ lượt lệ phí xuất bến, hàng tháng, đóng hơn 2 triệu đồng tiền thuế và quản lý cho HTX cùng các phí khác thì những nhà xe trá hình “ngồi mát ăn bát vàng”, phá khách tuyến cố định. “Nhiều xe trá hình trên địa bàn Đà Nẵng có phương thức hoạt động tương tự nhà xe Thành Bưởi ở TP.HCM mà báo chí nêu gần đây. Rất cần các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý để xe cố định còn đất sống”, bà Kim nói.
Lãnh đạo Công ty TNHH Hiếu Minh Sơn (nhà xe Hiếu Hoa, chuyên tuyến Đà Nẵng ra các tỉnh phía Bắc: Vinh, Thái Bình, Nam Định...) cho hay, với xe trá hình, cơ quan chức năng không thể quản lý doanh thu vì thiếu cơ sở và chỉ dựa vào khai báo của đơn vị vận tải. Trong khi các xe tuyến cố định phải đóng lệ phí bến bãi, xuất vé ra được tổng doanh thu làm cơ sở để báo cáo và tính các loại thuế: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng...
Cạnh tranh không cân sức
Với việc xe hợp đồng trá hình không vào bến và né được quá nhiều loại thuế, phí, theo các nhà xe đang chạy tuyến cố định thì đây rõ ràng là bất bình đẳng và là sự cạnh tranh không cân sức. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho rằng, hiện có quá nhiều nhà xe lợi dụng hình thức xe hợp đồng để chạy như tuyến cố định. Xe tuyến cố định đang phải chịu nhiều sự quản lý nghiêm ngặt về điều kiện kinh doanh vận tải. Còn xe hợp đồng trá hình đang lợi dụng khe hở của chính sách để hoạt động trá hình, né nhiều loại thuế, phí, cướp khách của xe tuyến cố định khiến xe tuyến có định có nguy cơ “chết dần”.
“Với mỗi xe chạy tuyến cố định, hiện phải mất chi phí dịch vụ cho 2 đầu bến chiếm khoảng 30% giá thành. Trong khi xe hợp đồng trá hình không bị chi phối bởi các điều kiện kinh vận tải cộng với không phải vào bến bãi đã tiết kiệm được khoảng 30-40% chi phí”, ông Mạnh bức xúc nói.
Ông Mạnh cũng thừa nhận, loại xe hợp đồng trá hình khá thuận tiện cho hành khách, có thể đưa đón linh hoạt ở bất kỳ đâu. Nhưng kinh doanh vận tải là có điều kiện, không thể muốn đón khách ở đâu thì đón như vậy, vừa mất trật tự ATGT, vừa lộn xộn. Đáng nói, xe khách trá hình né được rất nhiều loại thuế, phí nên tạo sự cạnh tranh không bình đẳng.
Trước tình trạng này, bà Nguyễn Thị Kim cho biết, các nhà xe tuyến cố định Đà Nẵng - Huế gần đây liên tục gửi đơn kiến nghị và trực tiếp phản ánh đến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vấn nạn xe trá hình HAV Travel, Tiến Đạt Thành, Tân Quang Dũng, DAHUNA... ngày một nở rộ, núp bóng xe hợp đồng bắt khách lẻ như tuyến cố định. Nếu tình trạng này kéo dài, các nhà xe cố định sẽ khó có thể sống nổi.
Đáng lo ngại hơn, theo ông Bùi Danh Liên, loại xe hợp đồng trá hình không phát hành vé nên không có bảo hiểm, vì vậy khi có sự cố, quyền lợi của hành khách không được đảm bảo. “Điều nguy hiểm hơn là các loại xe trên không bảo đảm an toàn cho hành khách vì không được kiểm tra theo quy trình trước khi rời bến”, ông Liên chia sẻ.
Nhà nước thất thu lớn vì xe không vào bến Một lãnh đạo HTX Miền Đông cho biết, đơn vị này mỗi ngày có 5 chuyến xe 29 chỗ ngồi chạy từ bến xe Miền Đông đi Đức Trọng, Đà Lạt. Mỗi lần xuất bến, dù trên xe có khách hay không, nhà xe cũng phải đóng cho bến giá dịch vụ mức 4.500 đồng/ghế. Xe 29 ghế, trừ ghế của tài xế, mỗi lần xuất bến doanh nghiệp phải đóng 126.000 đồng. Vị này cho hay, giá dịch vụ như vậy thời điểm này không phải là quá cao. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh không lành mạnh, nhiều xe như Thành Bưởi đón khách từ quận 10 ra dọc Xa lộ Hà Nội đón khách tiếp nên lượng khách vào bến giảm đi rất nhiều. Trước đây, HTX này mỗi ngày có khoảng 35 chuyến xe từ bến xe Miền Đông đi Đà Lạt, nay chỉ có 5 xe. Cứ tiếp tục cạnh tranh không lành mạnh vậy thì doanh nghiệp trong bến rất thiệt thòi và sẽ chết dần”. Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, giá dịch vụ xe ra, vào bến được giữ nguyên từ năm 2011 đến nay. Cụ thể, xe giường nằm giá dịch vụ là 5.850 đồng/giường. Với xe ghế ngồi, giá dịch vụ là 4.500 đồng/ghế, ngoài ra, bến không thu thêm bất cứ phí nào. Như vậy, mỗi chiếc xe giường nằm loại 40 giường khi xuất bến sẽ đóng cho bến 234.000 đồng/xe. Số tiền này bến thu và nộp vào ngân sách Nhà nước. Vì vậy, xe chạy bên ngoài không vào bến thì Nhà nước sẽ mất khoản thu này, tính ra số tiền Nhà nước thất thu mỗi năm không hề nhỏ. VPMN |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận