Thời gian gần đây, trên một số tuyến đường tại Hà Nội như: Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu… xuất hiện một số xe ô tô hình dáng giống xe khách 45 chỗ ngồi, xung quanh xe có in hình ảnh sản phẩm điều hòa nhiệt độ, logo thương hiệu và dịch vụ của một hãng kinh doanh điện máy. Đơn cử chiếc xe có biển số 20B-012.85 thường xuyên di chuyển chậm nhằm mục quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của hãng điện máy.
“Tôi thấy nhiều xe khách, xe buýt cũng dán hình ảnh, thông tin quảng cáo bên ngoài xe, nhưng ít thấy trường hợp nào dán thông tin quảng cáo kín mít như chiếc xe trên. Không rõ chiếc xe có được cấp chứng nhận đăng kiểm để lưu thông không?”, bạn đọc Nguyễn Trung Thưởng (Ngõ 43, đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) phản ánh.
Tương tự, một số bạn đọc khác cũng cho biết, thi thoảng bắt gặp trên đường các xe chở người loại trên dưới 50 chỗ ngồi dán hình ảnh thông tin quảng bá sự kiện có màu sắc sặc sỡ, phủ kín hai bên thân xe, khiến người điều khiển phương tiện giao thông khác bị chú ý quá mức.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 29/6, ông Đặng Trần Khanh, Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, thực tế việc thông tin quảng cáo trên xe ô tô khá phổ biến. Luật Quảng cáo cho phép quảng cáo trên xe ô tô, với yêu cầu tuân thủ quy định về cách thức quảng cáo trên phương tiện giao thông.
Một số quy định cụ thể như: không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện; sản phẩm không vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt được phép quảng cáo… Ngoài ra, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện hay gây nguy cơ mất ATGT như: che khuất hoàn toàn tầm nhìn kính xe, làm mất khả năng thoát hiểm qua cửa kính xe.
“Khi đăng kiểm định kỳ xe ô tô tham gia giao thông, các trung tâm đăng kiểm sẽ đánh giá về thực tế cách thức thông tin quảng cáo trên phương tiện, nếu đánh giá không đảm bảo an toàn khi phương tiện lưu thông sẽ không cấp chứng nhận kiểm định”, ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, một số mẫu xe buýt tại Hà Nội trước khi triển khai dán quảng cáo trên xe đã được Cục Đăng kiểm VN thử nghiệm về ảnh hưởng, mức độ an toàn về tầm nhìn từ trong xe ra ngoài; khả năng thoát hiểm (đập vỡ kính) trong tình huống cần thoát hiểm và cho thấy kết quả đảm bảo an toàn.
Về trường hợp cụ thể liên quan đến chiếc xe 20B-012.85 dán kín mít quảng cáo trên xe, ông Đặng Trần Khanh cho biết, phương tiện trên không đủ điều kiện để được cấp chứng nhận kiểm định để tham gia giao thông.
“Qua kiểm tra dữ liệu đăng kiểm cho thấy, phương tiện trên là xe khách, sản xuất năm 1999, đăng ký tên cá nhân, có địa chỉ tại xã Nam Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên, được một trung tâm đăng kiểm cấp chứng nhận đăng kiểm ngày 22/6/2019. Hình ảnh lưu trữ thể hiện, tại thời điểm đăng kiểm, chiếc xe trên có màu sơn đỏ và không dán thông tin quảng cáo nào trên thân xe.
Như vậy, sau khi được cấp chứng nhận đăng kiểm, có thể chủ phương tiện đã tự ý dán thông tin quảng cáo lên xe. Phương tiện trên khi vào đăng kiểm định kỳ tiếp theo sẽ không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Ngoài ra, khi lưu thông trên đường sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt do lỗi thay đổi màu sơn hoặc vi phạm quy định về quảng cáo”, ông Khanh cho biết thêm.
Được biết, theo quy định tại Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi tự ý thay đổi màu sơn xe so với màu ghi trong giấy đăng ký xe bị phạt 300.000 - 400.000 đồng (đối với cá nhân), 600.000 - 800.000 đồng (đối với tổ chức).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận