Chiếc xe cứu hoả khi đang đi sang làn đường ngược chiều thì bị xe khách tông nát, khiến một chiến sỹ tử vong |
Vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hoả đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến một chiến sỹ tử vong, nhiều người bị thương đang có nhiều làn sóng tranh cãi về lỗi và trách nhiệm của các bên.
Theo nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ thì “Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Tức là, dù là xe ưu tiên số một khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường.
Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008 cũng quy định, xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang), nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Trong vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hoả trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, để có căn cứ xem xét trách nhiệm các bên thì cần thiết phải làm rõ mức độ lỗi của bên xe cứu hỏa và xe khách.
Nếu có căn cứ xác định lái xe khách do thiếu quan sát, không nhường đường cho xe ưu tiên mà khi mình có đủ khả năng để quan sát xe cứu hỏa đang di chuyển vào đường cao tốc mà không chủ động giảm tốc, nhường đường vào mà gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ có dấu hiệu phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015.
Mặt khác, cần thiết phải xem xét việc điều khiển xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ vào đường cao tốc. Dù là xe ưu tiên số 1 nhưng về nguyên tắc khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường.
Thứ nhất, xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ khi lưu thông trên đường không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Như vậy, khi Cơ quan PCCC nhận được tin báo và điều động xe cứu hỏa đi vào cao tốc cần thiết phải thông báo cho CSGT quản lý đường cao tốc hoặc Cơ quan quản lý đường cao tốc để có phương án chủ động phân luồng giao thông, cảnh báo các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện và người tham gia giao thông.
Nếu cơ quan PCCC chưa có biện pháp thông báo cho CSGT hoặc Cơ quan quản lý đường cao tốc thì cũng cần thiết phải xem xét trách nhiệm để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, cũng giống như xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ cứu hộ xảy ra trên đường sắt thì cũng cần phải thông báo cho ngành đường sắt có biện pháp dừng các đoàn tàu trong thời điểm tham gia cứu hộ.
Thứ hai, khi xe cứu hỏa đi ngược chiều vào cao tốc ngoài việc có đèn tín hiệu cảnh báo thì phải quan sát và đi vào phần đường quy định ở làn khẩn cấp. Đây là làn đường đóng vai trò là nơi dừng, đỗ xe khẩn cấp khi xe bị hỏng hoặc là làn đường dành riêng cho các xe công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp.
Từ những nhận định trên, nếu xác định lái xe khách có lỗi trong vụ tai nạn thì là thuộc trường hợp lỗi hỗn hợp. Tùy theo tính chất mức độ đánh giá, nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh xảy ra va chạm, nếu có căn cứ xác định xe PCCC có lỗi chính dẫn tới gây tai nạn thì chưa tới mức truy cứu trách nhiệm lái xe khách là có căn cứ.
Đây cũng là bài học cảnh báo chung trong việc năng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của các chủ phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc. Ngoài ra, các lực lượng thực thi công vụ trên đường giao thông cũng cần phải tuyệt đối chấp hành luật giao thông đường bộ, chủ động xử lý tình huống, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những phương tiện khác đi trên đường.
Cục CSGT: "Xe cứu hỏa được đi bất kỳ hướng nào không giới hạn tốc độ"Theo lãnh đạo Phòng tuyên truyền hướng dẫn luật của Cục CSGT- Bộ Công an cho biết, Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ về quyền ưu tiên của một số loại xe, trong đó xe chữa cháy được phép di chuyển ngược chiều để tiếp cận vụ tai nạn, cứu hộ các nạn nhân. Theo đó, xe cứu hỏa được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới; không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Lãnh đạo Phòng tuyên truyền hướng dẫn luật của Cục CSGT cũng khuyến cáo, khi có tín hiệu của xe đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như xe chữa cháy, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe ưu tiên. |
Điều 260 BLHS: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Làm chết 02 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận