Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020 bổ sung nhiều quy định mới trong quản lý vận tải khách tuyến cố định, xe buýt tuyến cố định và bến xe khách.
Cụ thể: Đối với xe tuyến cố định tại Khoản 8 Điều 4 quy định, trước ngày 1/7/2020 các bến xe khách từ loại 1 - loại 4 và trước ngày 1/7/2021 đối với các bến xe khách còn lại phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và cung cấp thông tin (gồm: tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Tổng cục Đường bộ VN.
Từ ngày 1/7/2022, trước khi xe xuất bến doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện cung cấp nội dung (gồm: tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên lệnh vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh bến xe khách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đúng nội dung hợp đồng đã ký kết; kiểm tra việc thực hiện điều kiện đối với xe ô tô, lái xe và xác nhận vào lệnh vận chuyển; chỉ cho xe vận chuyển hành khách xuất bến nếu đủ điều kiện.
Đối với xe buýt, Khoản 4 Điều 5 quy định: Trước ngày 1/7/2022, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải cung cấp thông tin (gồm: tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến) trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe thông qua phần mềm của Bộ GTVT.
Theo Tổng cục Đường bộ VN, hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước không có thông tin đầy đủ về hoạt động của bến xe mà phải đợi các bến báo cáo nên mất rất nhiều thời gian. Cùng đó, thống kê bằng phương pháp thủ công có nhiều sai sót dẫn tới cơ quan quản lý không có con số thống kê chính xác.
Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Đường bộ VN đã xây dựng xong phần mềm theo hình thức xã hội hóa và áp dụng thí điểm tại một số bến xe như: Bến xe trung tâm Đà Nẵng; Bến xe Thượng Lý, Niệm Nghĩa, Lạc Long (Hải Phòng); Bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm (Hà Nội); Bến xe Trung tâm TP Cần Thơ; Bến xe Trung tâm Đắk Lắk trước khi chính thức đưa vào sử dụng đại trà.
Theo đó, thông tin hoạt động tại bến xe khách sẽ được cập nhật liên tục giữa các bến xe với cơ quan quản lý Nhà nước. Phần mềm sẽ tự động tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu, thống kê báo cáo dữ liệu về hoạt động của từng bến cũng như toàn bộ các bến xe khách trong toàn quốc. Các sở GTVT sẽ cập nhật vào hệ thống của Tổng cục đầy đủ dữ liệu về cơ sở hạ tầng bến xe trên địa bàn và giám sát quá trình hoạt động của bến.
“Các đơn vị sẽ phải cập nhật về máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN lịch xe xuất bến của toàn bộ các tuyến; danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên từng tuyến tại bến; biển số xe của từng loại phương tiện; giá vé và mức chất lượng dịch vụ đã đăng ký. Thông tin của toàn bộ các chuyến xe ra vào bến như: biển kiểm soát, lái phụ xe, tuyến đường chạy, số lượng hành khách xuất bến và các trường hợp vi phạm cũng như hình thức xử lý tại bến cũng được cập nhật liên tục”, Tổng cục Đường bộ cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận