Việc giảm trừ phí sử dụng đường bộ được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm (Trong ảnh: Kiểm định xe đầu kéo tại trung tâm đăng kiểm tại Lạng Sơn)
Đây là đợt giảm thứ 3 liên tiếp, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước ảnh hưởng của Covid-19...
Bớt khó khăn cho tài xế, doanh nghiệp
Vài ngày gần đây, anh Đỗ Hữu Thành, tài xế góp vốn vào hãng taxi Trôi - Phùng (Hà Nội) rất vui khi biết thông tin từ ngày 1/7 xe taxi được giảm 30% phí sử dụng đường bộ đến hết năm 2021.
“Mấy tháng nay dịch Covid-19 phức tạp, người dân làm ăn, buôn bán vắng vẻ nên khách đi xe ít lắm. Có khi cả tuần chẳng được chuyến đường dài nào, thu nhập chẳng có. Tôi nghe công ty thông báo là sắp tới được giảm 1/3 phí đường bộ trong 6 tháng nên rất mừng, tính ra cũng giảm được hơn 340 nghìn đồng”, anh Thành chia sẻ.
Đại diện hãng taxi trên cho biết, tất cả xe của công ty được giảm phí đường bộ từ tháng 8/2020 và tiếp tục được giảm thêm đến hết năm 2021.
“Hãng có hơn 70 xe đang hoạt động, từ khi đợt dịch mới bùng phát đến nay, phần lớn xe “nằm chết” một chỗ, khiến công ty và người lao động đều bị giảm thu nhập. Giảm phí đường bộ giúp công ty bớt được chi phí. Khi xe nào đi đăng kiểm chỉ phải nộp 70% số phí còn lại”, lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Anh Phạm Văn Lợi (phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội), chủ hộ kinh doanh vận tải có 2 xe ô tô đầu kéo cho biết: “Dù xe tải chỉ được giảm 10% phí đường bộ, tương ứng mỗi tháng giảm hơn 100 nghìn/xe nhưng bản thân rất phấn khởi vì được Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chia sẻ lúc khó khăn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện một số trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, vài ngày gần đây thường xuyên nhận được các cuộc gọi của DN vận tải hỏi về việc giảm phí đường bộ từ ngày 1/7.
“Nhiều DN vận tải khách có hàng chục xe phải dừng hoạt động nên rất khó khăn. Khi được cung cấp thông tin, văn bản về việc tiếp tục được giảm phí đường bộ đến hết năm 2021 họ rất phấn khởi”, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-01S cho biết.
Cũng theo ông Thắng, các xe thuộc đối tượng giảm trừ phí khi đến đăng kiểm đều được tính toán giảm trừ theo quy định cho thời gian đến ngày 30/6/2021. Từ ngày 1/7, phần mềm tính toán giảm trừ phí sẽ được cập nhật để tiếp tục giảm trừ cho các xe đi đăng kiểm từ ngày 1/7/2021.
Giảm trừ thế nào?
Ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính, Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo quy định tại Thông tư số 47/2021 của Bộ Tài chính, từ ngày 1/7 - 31/12/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải khách được giảm 30% phí sử dụng đường bộ mỗi tháng. Còn xe kinh doanh vận tải hàng hóa được giảm 10%.
Đây là đợt giảm phí thứ 3 liên tiếp (bắt đầu từ ngày 10/8/2021 đến hết năm 2020, 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2021), nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về số lượng xe được giảm trừ, theo ông Bình, hiện chưa có thống kê cập nhật cụ thể. Còn trong đợt giảm đầu tiên ước tính có hơn 805 nghìn xe được giảm, với số tiền khoảng hơn 316 tỷ đồng.
“Việc giảm phí được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm khi xe vào kiểm định và được tính toán giảm trừ tự động trên phần mềm. Số phí được giảm bằng cách bù trừ vào kỳ nộp phí đường bộ tiếp theo của phương tiện”, ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, đối với trường hợp phương tiện đăng kiểm và nộp phí đường bộ trước ngày 1/7 vẫn phải thực hiện nộp đủ phí đến ngày 31/12/2021. Khi đến kỳ đăng kiểm và nộp phí tiếp theo sẽ được bù trừ số phí đã nộp trong thời gian trên theo mức quy định. Các xe bắt đầu đăng ký kinh doanh vận tải và nộp phí đường bộ từ sau ngày 1/7 sẽ được tính từ ngày nộp phí từ ngày nộp đến 31/12/2021.
“Trường hợp các xe kinh doanh vận tải đã nộp phí đường bộ cho cả 3 đợt giảm phí và có hạn đăng kiểm sau ngày 31/12/2021, khi đi đăng kiểm và nộp phí sẽ được tính bù trừ giảm cho thời gian từ 10/8/2020 - 31/12/2021”, ông Bình cho biết thêm.
Giảm phí đường bộ không ảnh hưởng nhiều đến Quỹ Bảo trì
Xe kinh doanh vận tải hàng hóa tiếp tục được giảm 10% phí sử dụng đường bộ từ 1/7 - 31/12/2021
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho hay, việc giảm phí đường bộ cho DN vận tải ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ VN.
Đề cập đến ảnh hưởng của việc giảm phí, ông Minh cho rằng, không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn bảo trì đường bộ. Đây là giảm phí đường bộ cho đối tượng kinh doanh vận tải chứ không phải giảm cho tất cả phương tiện.
Tuy chưa có tính toán cụ thể nhưng nguồn vốn dành cho bảo trì đường bộ (sau khi giảm phí cho các phương tiện kinh doanh vận tải) chỉ giảm khoảng 10 - 15%. Tỷ lệ này không ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ.
Cũng theo ông Minh, việc bảo trì đường bộ vẫn phải thực hiện nhưng trong trường hợp này có thể điều tiết lại tỷ lệ vốn cho các dự án.
Trong trường hợp doanh thu từ quỹ bị ảnh hưởng, công việc bảo trì đường bộ vẫn phải thực hiện nhưng nguồn vốn có thể chuyển tiếp sang năm sau thanh toán cho nhà thầu. Đầu mục công việc bảo trì vẫn giữ nguyên nhưng có thể giảm vốn bố trí cho dự án. Chẳng hạn, một dự án bảo trì cần 30 tỷ đồng, thay vì bố trí vốn trước 70% thì nay có thể giảm xuống còn 50 - 60%.
“Đường sá vẫn phải giữ để đảm bảo ATGT nhưng trong chừng mực nào đó cũng cần phải chia sẻ với ngân sách. Phí sử dụng đường bộ ngoài thu trên đầu phương tiện hiện khó tìm được nguồn vốn để cấp bù. Ngân sách Nhà nước nếu có cũng đang ưu tiên cho tiêm vaccine cho người dân nên khó có thể cấp thêm”, ông Minh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, sau khi giảm phí cho các phương tiện kinh doanh vận tải, nguồn vốn dành cho bảo trì đường bộ không thay đổi, tổng nguồn chi vẫn được giữ nguyên.
Hiện nay, ngoài phần thu được từ đầu phương tiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo trì đường bộ nên ngân sách vẫn phải cấp bù. Phương thức thu nguồn phí này đã thay đổi, nguồn thu đã hòa vào ngân sách nên ngân sách vẫn đảm bảo đủ như kế hoạch bảo trì đã đặt ra hàng năm.
Xe dừng kinh doanh được miễn phí đường bộ
Ông Nguyễn Đình Oanh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V (Hải Phòng) cho biết, vài tháng gần đây, nhiều đơn vị vận tải xe đầu kéo, chở container đến làm thủ tục tạm dừng kinh doanh hoạt động vận tải cho phương tiện. Các trường hợp xin tạm dừng vận tải, sau khi được Sở GTVT địa phương xác nhận, thu hồi phù hiệu và thông báo đến trung tâm đăng kiểm sẽ được dừng nộp phí sử dụng đường bộ cho đến khi hoạt động kinh doanh vận tải trở lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận