Căn cứ nào bắt khẩn cấp?
Ngày 21/11, liên quan đến vụ hai xe đâm nhiều lần vào nhau tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chia sẻ với PV Báo Giao thông, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) đã đưa ra một số nhận định về vấn đề pháp lý của vụ việc.
Theo ông Quân, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nhanh nhất có thể, nên việc bắt giữ khẩn cấp để phục vụ điều tra là đúng theo quy định.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai với thời gian tối đa 9 ngày.
Trong thời gian này, nếu đủ yếu tố xác định hành vi phạm tội sẽ thực hiện bước tiếp theo là khởi tố.
Trong khi đó, luật sư Phùng Thế Huân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, căn cứ để bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại nhiều Điều trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chẳng hạn, Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án.
Hay theo khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định trường hợp bắt người khẩn cấp khi có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
"Việc công an thành phố Bà Rịa bắt giữ khẩn cấp hai người đâm xe vào nhau trên đường phố là để ngăn chặn việc họ có thể bỏ trốn", luật sư Huân nhận định.
Cần xem xét làm rõ hành vi "Gây rối trật tự công cộng"
Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, qua hình ảnh camera, hành vi của hai tài xế quá nguy hiểm vì nơi xảy ra sự việc là trên một tuyến đường đông đúc, có nhiều người qua lại. Hai đầu xe hư hỏng nặng và đây là những xe có giá trị lớn nên mức độ thiệt hại có thể khá cao.
Do đó, cơ quan chức năng ngoài việc điều tra làm rõ về hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản", cần xem xét làm rõ thêm hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục căn cứ vào lời khai của các tài xế, các giám định... để có căn cứ xử lý mức độ về các hành vi.
Theo luật sư Quân, hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản" được quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi 2017).
Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tuỳ theo hành vi và giá trị tài sản, ảnh hưởng đến xã hội thế nào.
Ngoài ra, phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Riêng phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Tuy nhiên, vụ việc này vẫn phải tiếp tục chờ kết quả điều tra từ cơ quan chức năng để xác định mức độ, hành vi cụ thể của từng đối tượng.
Còn hành vi "Gây rối trật tự công cộng" được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, người gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi gây rối trật tự công cộng là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đồng thời phải xem xét người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Tuy nhiên, đối với vụ việc này, vẫn tiếp tục phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng để xác định hành vi cụ thể, mức độ vi phạm của các đối tượng.
Trước đó, sự việc xảy ra vào khoảng 18h30 ngày 20/11, tại ngã tư đường Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ thuộc khu phố 5, phường Phước Hiệp, thành phố Bà Rịa.
Sau khi nhận tin báo, Công an thành phố Bà Rịa nhanh chóng xác minh và xác định ô tô biển số 60A - 86048 do chị P.H.B.T (ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai ) điều khiển và ô tô biển số 72A - 34335 do anh N.Đ.K (ngụ thành phố Bà Rịa) điều khiển.
Công an xác định, do có mâu thuẫn từ trước nên khi đi đến ngã tư Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Linh, chị T đã điều khiển ô tô BKS 60A - 86048 tông vào đuôi ô tô BKS 72A - 34335 của anh K.
Vì bị tông từ phía sau, anh K đã quay đầu xe tông trực tiếp nhiều lần vào đầu xe chị T. Sau khi có người can ngăn, anh K mới quay đầu xe rời đi và sau đó chị T cũng lái xe rời hiện trường.
Vụ việc trên khiến hai ô tô hư hỏng nặng và khiến dư luận bức xúc vì hành vi của các tài xế quá nguy hiểm, ngay giữa tuyến đường đông người qua lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận