Xã hội

Xé lòng mẹ già, vợ trẻ khóc ngất, con thơ ngơ ngác tại lễ tang 22 chiến sỹ

Hình ảnh người vợ ngã quỵ, những người mẹ khóc cạn nước mắt giữa lễ tang 22 chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 khiến nhiều người xót xa.

img
Mẹ liệt sỹ Lê Tuấn Anh đầu đội khăn trắng, khóc nứt nở khi ôm trên tay bằng Tổ quốc ghi công của anh

Sáng 22/10, lễ tang 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 hy sinh tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được tổ chức theo nghi thức quân đội tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến dự lễ viếng.

Dang dở lời hứa với mẹ già

Khi nghe hung tin, Thiếu tá QNCN Nguyễn Cảnh Trung - Nhân viên Văn thư - Bảo mật, Phòng Tham mưu - Kế hoạch Đoàn KT-QP 337 gặp nạn, gia đình gồm 7 người tức tốc thuê xe cấp cứu đi xuyên đêm từ Nghệ An vào Quảng Trị. Trên đường đi, ai cũng cầu nguyện cho anh và các đồng đội nhưng phép màu đã không xảy ra. Những ngày qua, túc trực lo tang lễ, những người thân trong gia đình anh gần như ngã quỵ vì mất mát quá lớn không gì bù đắp.

Ông Hoàng Như Thanh (trú tại Đô Lương, Nghệ An), người nhà của liệt sỹ Nguyễn Cảnh Trung thất thần cho hay, trong 4 ngày qua, mọi người túc trực tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị để chuẩn bị lễ tang cho anh.

Anh Trung có 2 con nhỏ đang trong tuổi đi học, vợ là giáo viên, sức khỏe yếu, con út mới bị tai nạn gãy tay.

Nghe tin dữ về chồng, chị Hoàng Thị Thanh Nga (vợ anh Trung) đã không chịu nổi cú sốc, ngã quỵ, lúc tỉnh lúc mê. Vì sức khỏe yếu nên không thể vào chịu tang chồng. Người thân, bạn bè và hàng xóm đang túc trực chia sẻ, động viên mong chị vượt qua đau thương mất mát.

"Cả năm nay, Trung cùng đồng đội giúp dân phòng chống dịch Covid-19 rồi đến mưa bão nên chỉ về thăm nhà vỏn vẹn có 1 lần. Em nói xong đợt mưa lũ này sẽ về quê thăm nhà, sửa lại xe đi học cho các con mà nào ngờ nó lại đi như thế này", ông Thanh nức nở nói.

Chị Hoàng Thị Diệu (trú tại Cửa Lò, Nghệ An) - vợ liệt sỹ Trung tá Phùng Thanh Tùng (SN 1979) không chịu nổi cú sốc quá lớn, ngất ra nền nhà, người thân phải liên tục bấm huyệt, xoa dầu.

Người thân cho hay, vợ chồng chị Diệu có 3 người con, trong đó, đứa lớn 12 tuổi, đứa út mới 5 tháng tuổi. Chị Diệu làm nghề thợ may, thu nhập bấp bênh, còn anh Tùng là lao động chính trong nhà. 3 năm trước, hai vợ chồng vét hết tiền dành dụm rồi vay mượn thêm để xây căn nhà cấp 4 có chỗ trú mưa trú nắng, ổn định cuộc sống.

"Tùng bị bệnh thoát vị đĩa đệm nặng, vừa rồi mới được đơn vị cho nghỉ phép về nhà để chữa bệnh. Được ít ngày thì anh phải trở vào để cùng đồng đội giúp dân phòng chống, khắc phục mưa lũ, nào ngờ nó đi luôn. Nợ nần còn chồng chất, con cái thì nhỏ, không biết 3 mẹ con sẽ sống sao nữa", một người nhà anh Tùng khóc nói.

img
Chị Hoàng Thị Diệu, vợ Trung tá Phùng Thanh Tùng ngã quỵ trước lễ tang chồng

Có mặt tại lễ tang, chị Lê Thị Thu Hòa (trú tại TP Đông Hà), em gái của liệt sỹ Lê Thế Linh (SN 1995) nước mắt lưng tròng chia sẻ: "Anh Linh là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em, chưa lập gia đình, tính tình hiền lành nên bạn bè, bà con chòm xóm đều yêu quý. Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Linh luôn cố gắng vươn lên".

Tháng 2/2020 Linh nhập ngũ và được phân công nhiệm vụ tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng tại thôn Cợp (Hướng Phùng, Hướng Hóa). Đợt mưa lũ vừa rồi, nước tràn vào nhà anh, ngập đến nửa người nhưng bận đi giúp dân, anh không chỉ gọi điện về dặn dò cả nhà chủ động phòng chống.

"Tối hôm anh Linh gặp nạn, anh còn gọi điện về tâm sự với mẹ. Anh bảo, hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong sẽ về xin việc làm, kiếm tiền phụng dưỡng cha mẹ già yếu. Vậy mà bây giờ anh lại bỏ dở lời hứa với mẹ", chị Hòa nức nở.

img
Con trai liệt sỹ Lê Hương Trà đôi mắt vô hồn giữa lễ tang cha

Mẹ già, con nhỏ đầu đội khăn tang tiễn biệt

Trong lúc lễ viếng đang cử hành, bà Trương Thị Khuyên (trú tại Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị) - mẹ của liệt sỹ Lê Tuấn Anh (SN 2000) vội lui vào góc tường, ngồi thụp xuống ôm mặt khóc nức nở.

Bà Khuyên kể rằng, vợ chồng bà đều làm nông, quanh năm bám mặt cho đất bám lưng cho trời. Lúc nông nhàn, bà Khuyên đi làm mướn, làm thuê, ai thuê gì làm nấy, còn chồng bà thì làm thợ nề, cóp nhặt từng đồng nuôi các con nên người. Mấy năm nay, cả hai đều đổ bệnh, đau ốm thường xuyên. Tuấn Anh là con út trong gia đình có 2 anh em. Trước đây, em có tham gia một lớp học nghề, đang dang dở thì nghỉ để đi nghĩa vụ quân sự. Dự định sau khi xuất ngũ, Tuấn Anh sẽ về đi xuất khẩu lao động, thế nhưng sau 8 tháng nhập ngũ thì em gặp nạn.

"Lần nào gọi điện về, nó cũng bảo sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ về đi làm để phụ ba mẹ trả nợ, rồi lo cho tương lai. Ba mẹ già rồi đừng đi làm nữa để con lo. Dường như môi trường quân đội huấn luyện nó nên người, thấy nó nghĩ được, nói được như thế ai cũng mừng. Nhưng nó đã hy sinh giữa núi rừng như thế này. Kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, tội con tôi lắm trời ơi", bà Khuyên nấc nghẹn.

Cũng tại lễ tang, một nhóm người đầu đội khăn trắng, ôm nhau khóc nức nở, rồi lại động viên nhau gắng gượng trước nỗi đau mất người.

Đó là những thân nhân liệt sỹ Lê Hương Trà (SN SN 1984). Vợ chồng anh Trà có 2 người con, đứa lớn mới 10 tuổi, đứa nhỏ mới 3 tuổi. Ngày anh Trà cùng 21 đồng nghiệp gặp nạn, 9 người trong gia đình anh lên xe ô tô do quân đội bố trí, cấp tốc vào hiện trường vụ sạt lở và túc trực suốt nhiều ngày đêm qua. Trên đường đi, vợ con anh Trà khóc nức nở nhưng vẫn cố gắng trấn an rằng: "Anh đang đi làm nhiệm vụ rồi anh về".

Giữa tháng 7 vừa rồi, anh Trà cắt phép để về quê ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) giỗ ông nội và xây mộ cho em gái. Sau đó, anh trở lại đơn vị để cùng đồng nghiệp giúp dân phòng chống Covid-19 và mưa bão trong đợt vừa qua. Đến rạng sáng ngày 18/10 thì gặp nạn.

"Ngoài chăm lo cho vợ con, Trà còn cấp dưỡng nuôi con của đứa em gái đã mất. Vừa rồi, nó gọi điện về bảo sẽ vay tiền sửa nhà cho bố mẹ, chưa thực hiện được thì nó đã đi, thật là đau xót", một người thân Liệt sỹ Trà nước mắt ngắn dài nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.