Gian nan xẻ núi, mở đường "cõng" vật liệu vào thi công
Lái ô tô 4 chỗ bon bon trên con đường mới mở, xuyên qua cánh rừng bạt ngàn dưới chân dãy núi Thiên Sơn để vào hồ chứa nước Khe Giữa, anh Nguyễn Hồng Phong, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (BQLDA nông nghiệp) Quảng Ninh cho biết, hồ Khe Giữa nằm dưới chân dãy núi Thiên Sơn có đỉnh cao 1.094m. Do đó, quá trình thi công, chủ đầu tư và các nhà thầu đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc khảo sát, thiết kế đường vào vận chuyển.
Theo anh Phong, khó khăn nhất của việc mở đường để đưa vật liệu vào thi công là vùng hạ lưu của công trình dự kiến xây dựng có hồ Lựng Do đang cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân ở xã Dương Huy và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Cẩm Phả.
"Để mở được đường vào phải xẻ núi, cắt rừng hàng cây số nhằm tránh làm ảnh hưởng đến công trình hồ chứa nước này. Do đó, quá trình khảo sát, đội ngũ cán bộ phải mất nhiều thời gian luồn rừng, vượt núi khảo sát, tìm phương án thi công đường tối ưu nhất", anh Phong kể.
Cái khó nữa trong quá trình thi công đường là tại đây có hàng trăm ha đất rừng trồng cùng không ít công trình của bà con đồng bào dân tộc Dao, Sán Dìu với hệ thống đường vận tải nhỏ chằng chịt vào tận chân dãy núi Thiên Sơn xa tít tắp.
Khi bắt đầu thi công tuyến đường cũng là lúc bà con thu hoạch gỗ keo, nếu làm mất đường vận tải thì chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của bà con.
"Phải làm thế nào để vừa đảm bảo tiến độ thi công đường, vừa đảm bảo cho bà con vận chuyển gỗ đi tiêu thụ. Nhờ người dân bản địa chỉ dẫn, chúng tôi đã mở rộng một tuyến đường vốn là được người dân dùng để đi thả trâu, bò ở phía bên kia đập Lựng Do và đắp tạm một chiếc đập nhỏ ở thượng nguồn cho xe chở gỗ lưu thông tạm thời", anh Phong kể.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lục Ích Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Tiến, xã Dương Huy cho biết: Trước đây, bà con vào rừng bằng đường đất, nhỏ hẹp, chênh vênh trên sườn núi rất nguy hiểm lại bị chia cắt vào mùa mưa.
"Nhưng giờ đã có đường mới, con đường vừa phục vụ thi công hồ nước vừa để bà con đi lại. Đường được đổ bê tông, lưu thông an toàn, bà con đều phấn khởi. Khu vực này phong cảnh sơn thủy hữu tình, có thể phát triển du lịch trong tương lai", ông Long cho hay.
Sớm đưa nguồn nước ngọt mới cho đất mỏ
Công trình hồ chứa nước Khe Giữa ở xã Dương Huy, TP Cẩm Phả được phê duyệt cuối tháng 10/2018, với tổng mức đầu tư 283 tỷ đồng. Dự án do BALDA Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư với diện tích sử dụng đất 128,3ha.
Theo thiết kế, diện tích lưu vực hồ Khe Giữa rộng 23,4km2, diện tích mặt hồ ứng với mực nước dâng bình thường 78,87ha, dung tích chứa nước đạt khoảng 7,6 triệu m3, là một trong 10 hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh.
Sau khi hoàn thành, hồ Khe Giữa sẽ kết hợp với hồ Cao Vân khai thác hiệu quả nguồn nước mặt trong khu vực, đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn Cẩm Phả và Hạ Long.
Đường thi công hồ Khe Giữa kết hợp quản lý có quy mô đường cấp A, giao thông nông thôn dài 1,69km, nền đường rộng 6m, mặt đường rộng 3,5m, kết cấu mặt đường bê tông.
Ông Phạm Phúc Quảng, Giám đốc Ban Dự án Nông nghiệp cho biết: Quá trình thi công, điều kiện đi lại, sinh hoạt, tổ chức thi công gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên mưa nhiều, giá cả vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.
Đặc biệt, dự án vừa mới triển khai thì gặp ngay thời điểm dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và kéo dài gần hai năm khiến toàn công trường phải bước vào thời kỳ vừa thi công vừa chống dịch để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
"Để bù đắp tiến độ do ảnh hưởng của những tháng thời tiết mưa nhiều, vào mùa khô, đơn vị nhà thầu đã tổ chức thi công ba ca liên tục trong ngày, với khoảng 40 thiết bị máy móc kỹ thuật thực hiện đào đắp đập, kết hợp thi công tràn xả lũ, cống dẫn nước. Đội ngũ giám sát cũng luôn bám sát công trình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án thi công hiệu quả nhất.
Hiện nay, chủ đầu tư cùng với đơn vị nhà thầu đang hoàn thiện hệ thống kỹ thuật, thu dọn vệ sinh môi trường, đồng thời thi công hệ thống đường ống để nhanh chóng hòa dòng nước về hồ Cao Vân để cung cấp nước sinh hoạt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho TP Hạ Long, TP Cẩm Phả", ông Quảng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận