Thi viết về GTVT

“Xẻ núi, vén mây” mở đường Tây xứ Nghệ

26/05/2022, 06:22

Để xóa những bản “trắng” về giao thông, các kỹ sư, công nhân phải “xẻ núi, rẽ mây”, thậm chí đổ cả máu để thi công tuyến đường Tây xứ Nghệ...

Tay dắt lợn, lưng gùi thóc cuốc bộ cả chục km đường rừng

Là tuyến đường xương sống của tỉnh Nghệ An, tuyến đường Tây Nghệ An (nay là QL16) có vai trò đặc biệt quan trọng. 7 năm sau khi tuyến đường đưa vào khai thác cũng là 7 năm bộ mặt dân cư 3 huyện phía tây Nghệ An đổi khác từng ngày.

img

Các kỹ sư, công nhân dùng thuyền đưa máy móc thiết bị vào thi công đường Tây Nghệ An (Ảnh tư liệu)

Ông Lương Xuân Hiệp - Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương, nguyên Chủ tịch xã Nhôn Mai chia sẻ, trước đây khi chưa có QL16, từ trung tâm huyện muốn vào xã chỉ có 2 cách: Một là chèo đò xuôi theo lòng hồ thủy điện Bản Vẽ; hai là trèo đèo vượt suối cả ngày trời.

Đối với các dự án miền núi và tuyến mới, kinh nghiệm chính là phải làm tốt công tác chuẩn bị thi công. Bởi lẽ, có chuẩn bị tốt, quá trình làm mới không bị ngắt quãng, không phải chờ đợi sửa chữa. Đặc biệt là nơi lập lán, dựng nhà tạm cho công nhân, phải chọn nơi địa chất tốt không sạt, không quá gần chân núi, cũng không ở sát bờ sông nhằm tránh lũ rừng, tránh đá rơi bất thường... Yếu tố tiên quyết là phải gắn với dân. Dân bản là người thông thạo địa hình nhất, cũng là người có thể giúp đỡ mình trong mọi hoàn cảnh.

Kỹ sư Trịnh Minh Tiệp


Cuộc sống biệt lập khó khăn không kể hết. Giao thông cách trở, khiến sản vật bà con làm ra bán rất rẻ, trong khi hàng hóa từ xuôi lên thì đắt gấp mấy lần.

“Cả năm bà con nuôi được con lợn, tạ thóc, đến khi muốn bán thì tay dắt lợn, lưng gùi thóc cuốc bộ cả chục km đường rừng từ bản xuống chợ. Mất thêm 2 - 3 ngày ngồi chợ bán, lấy tiền mua thực phẩm. Sau đó lại “vai gùi, tay xách” trèo núi, đẩy thuyền theo dòng Nậm Nơn về bản. Thành ra, người dân vùng cao giáp biên luôn khát khao cháy bỏng có một con đường mới để bớt khổ”, ông Hiệp chia sẻ.

Cũng theo ông Hiệp, từ khi có đường QL16, giao thương thuận lợi, người dưới xuôi lên đây buôn bán, các sở ngành cũng về hướng dẫn bà con làm kinh tế.

Đời sống dân bản thay đổi từng ngày. Đến nay, nhiều hộ trong xã đã có “của ăn của để”. Tỷ lệ hộ nghèo từ 75% năm 2015, đến nay chỉ còn 30%.

Đặc biệt, lần đầu tiên người dân trong xã (gồm 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú) biết sản xuất theo hướng hàng hóa, biết làm các mô hình chăn nuôi bầy đàn mang hiệu quả cao, và bỏ hẳn thói quen nuôi trồng theo hướng tự cung, tự cấp”, ông Hiệp nói thêm.

Tương tự tại Quế Phong, tầm 10 năm trước, ở đây chủ yếu du canh du cư, cây trồng là keo, là chàm, thậm chí, có nơi trồng cả cây thuốc phiện.

Thế nhưng, hiện nay đời sống người dân đã hoàn toàn thay đổi, loại cây chủ lực cũng chuyển dần sang cây ăn quả, cây có múi.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong phấn khởi: “Khi QL16 đưa vào sử dụng (năm 2015), huyện đã quy hoạch lại vùng dân cư, đưa các hộ dân ở dọc sông, suối có nguy cơ sạt lở lên sống dọc quốc lộ và dần hình thành các điểm dịch vụ, thương mại. Những sản vật của đồng bào ở Nậm Nhoóng, Tri Lễ… được thương lái đến tận nơi thu mua.

Đổ máu nơi dốc núi…

img

Con đường cắt qua những mảnh rừng, ngọn núi

Ít ai biết, để có được con đường như hôm nay, từ cách đây gần 20 năm, các cán bộ kỹ sư ngành GTVT ở Nghệ An đã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thậm chí đổ máu do những lần trượt ngã nơi dốc núi.

Dọc hơn 200km từ thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong sang thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn núi non hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp.

Nơi thì đường nằm sát con suối dưới thung lũng, ngẩng cổ lên không thấy ánh mặt trời. Nơi thì đường lên uốn lượn không ngừng, ngồi trong ô tô tai ù ù như khi máy bay cất cánh. Trên đỉnh Phà Khốm nhìn xuống, mây mù trắng mặt, vực sâu thăm thẳm. Chỉ đứng nhìn không thôi cũng xây xẩm mặt mày. Lúc mở đường còn khó, còn khổ hơn vạn phần.

Kỹ sư Trịnh Minh Tiệp, Cán bộ Ban QLDA CTGT Nghệ An kể: “Từ khi bắt tay triển khai đến nay đã gần 20 năm nhưng đoạn qua “cổng trời” Mường Lống vẫn đang sạt lở. Hơn chục vị trí khác cũng hễ mưa là lở núi, sạt đồi gây tắc đường từ vài ngày tới nửa tháng”.

“Khi chưa có đường, các vùng như: Cha Lo, Na Hỷ, Nhôn Mai, Mai Sơn gần như biệt lập. Muốn đi đến đó chỉ có băng rừng lội suối hoặc đi đò vào mùa khô.

Có lần tôi cùng đoàn tư vấn của Công ty 497 đi khảo sát địa chất tuyến bị chìm thuyền trên dòng Nậm Nơn. May mắn 2 người biết bơi, được thuyền bên cạnh vớt được. Còn lại toàn bộ các máy móc thiết bị như: Máy toàn đạc, máy khoan địa chất... trị giá cả trăm triệu đồng bị nước cuốn trôi”, kỹ sư Tiệp nhớ lại.

Trực tiếp PV Báo Giao thong có lần đi cùng đoàn công tác mở đường. Buổi sáng đoàn ghé lán công nhân chuyển đồ tiếp tế. Buổi chiều quay lại không thấy lán đâu. Anh em công nhân hoảng hồn kể: “Có trận lốc, nó bốc toàn bộ lán ném xuống suối. May mà lúc đó không có ai!”.

Có lần đoàn xe của lãnh đạo Sở GTVT đi kiểm tra, lên đến nửa dốc Chuối thì đường lầy xe trượt dốc. Mọi người nín thở ngồi trên xe chờ... may không lật. Sau phải chờ đơn vị thi công đưa máy đào bánh xích ra kéo lên.

“Toàn tuyến dài 216km, trừ những đoạn đã trùng với dự án trước, chỉ phải thi công 168km. Nhưng 168km này lại là đoạn xương nhất. 100% là đường độc đạo, không đường công vụ, không có đường mòn. Con đường duy nhất là theo dân bản vác dao phát cây đi men theo vách núi hoặc cuốc bộ bên khe suối.

Các đơn vị thi công phải làm lấn tuyến, có những đoạn dốc lên liên tục, đường cong cua khúc khuỷu, các đơn vị phải nổ mìn cắt núi; đoạn phải xẻ rừng, làm cầu băng suối.

Rồi có đoạn núi cao tới 1.500m so với mực nước biển, quanh năm mây mù trắng xóa, anh em phải tranh thủ từng ngày nắng để đắp đường và làm nhựa”, kỹ sư Tiệp chia sẻ.

Đường sá đi lại vất vả khó khăn, trong 6 năm tham gia dự án (năm 2009 - 2015), kỹ sư Tiệp không nhớ nổi bao nhiêu lần các kỹ sư, công nhân trên công trường bị ngã xe. Người nhẹ thì xây xước, người nặng bị gãy chân nhập viện.

Tư vấn trưởng 4 gói thầu từ XL16 - XL19, kỹ sư Lê Thanh Bình có hơn chục lần bị bong gân, trầy da, đổ máu do trượt ngã trên núi cao, dốc thẳm, một lần anh đã chết hụt nơi công trường.

Sau lần ấy, vợ con khuyên về dưới xuôi làm nhưng bình phục, kỹ sư Bình lại quay trở lại công trường tiếp tục hoàn thành dự án.“Mỗi con đường được nối dài là người dân đi lại bớt khó, bớt khổ...

Ngày khánh thành đường Tây Nghệ An, chứng kiến người dân khắp nơi đổ về, vui mừng nhảy múa như ngày hội, những người kỹ sư, công nhân làm đường như chúng tôi cũng thấy mừn vui khôn siết”, anh Tiệp xúc động nói.

Tuyến Tây Nghệ An bắt đầu từ thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cắt qua Tương Dương và nối sang thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, đồng thời là tuyến đường nối với tuyến Tây của tỉnh Thanh Hóa và QL7 lên cửa khẩu Nậm Cắn.

Đây là tuyến giao thông được tỉnh Nghệ An xác định là tuyến đường phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho 15 vạn dân thuộc các huyện nghèo Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Nơi đây, 11 xã chưa có đường ô tô vào hai mùa và 3 xã chưa có đường ô tô vào bốn mùa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.