Chuyện dọc đường

Xe quá tải và câu hỏi lớn về trách nhiệm

17/05/2022, 06:11

Xe quá tải sẽ làm người dân thiệt đơn, thiệt kép vì vừa phải đóng thuế để sửa đường, vừa phải chịu giá cả tăng cao.

Việc kiểm soát tải trọng xe nằm trong quản lý ATGT của tất cả các quốc gia. Kiểm soát xe quá tải nhằm bảo vệ an toàn kỹ thuật, tuổi thọ, kinh tế cho hạ tầng giao thông đường bộ.

Công trình giao thông không bị hư hỏng đảm bảo cho phương tiện tham gia giao thông được an toàn.

img

Xe ben BKS 60C – 504.53 chở vật liệu có “ngọn” trên đường D1, thị xã Phú Mỹ (Ảnh chụp chiều 12/5). Ảnh: Vĩnh Phú

Đảm bảo an toàn cho các yếu tố này là điều kiện, nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho quốc gia.

Nếu một con đường phục vụ kết nối cho xuất nhập khẩu vào cảng tốt, có thể đảm bảo cho 20.000 - 30.000 xe tải lưu thông. Ngược lại, nếu đường xấu, con số này sẽ giảm xuống một nửa.

Đường hư hỏng cũng dẫn đến chi phí vận tải sẽ tăng do tiêu tốn nhiều nhiên liệu, hao mòn phương tiện. Chi phí vận tải tăng sẽ được tính vào giá cả sản phẩm, dịch vụ và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi.

Xe quá tải sẽ làm người dân thiệt đơn, thiệt kép vì vừa phải đóng thuế để sửa đường, vừa phải chịu giá cả tăng cao.

Nói rộng hơn, hệ lụy của việc chở quá tải làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn đến sức cạnh tranh chung của quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khả năng tích lũy được các nguồn lực trong đó có nguồn lực để bảo vệ an ninh quốc gia.

Sức cạnh tranh kinh tế của quốc gia bị giảm cũng chính là giảm vị thế về đối ngoại, an ninh quốc gia.

Trước năm 2013, có thể nói là ra đường gặp xe quá tải tàn phá đường nhưng xã hội lại coi đó như một việc bình thường.

Đến giai đoạn 2013 - 2016, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực, liên tục kiểm soát tải trọng phương tiện, xe quá tải đã giảm rất sâu. Ở thời điểm năm 2016, xe quá tải chỉ còn khoảng 10%.

Tuy vậy, từ năm 2017, xe quá tải đang bùng phát trở lại và trực diện hàng ngày, hàng giờ tàn phá tài sản quốc gia, tàn phá mồ hôi, công sức, tiền thuế của nhân dân.

Nhất là sau đại dịch Covid-19, mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế rất lớn nên sự quan tâm đến kiểm soát tải trọng xe giảm rất nhiều.

Cũng cần phải thấy thực tế rằng, hiện đang thiếu sự quan tâm trong kiểm soát xe quá tải, có tâm lý quá tải tý không sao và đường hỏng lại bỏ tiền ngân sách ra sửa, bảo trì.

Không có giải pháp căn cơ, có thể chúng ta sẽ phá hỏng những con đường đang có trong khi nỗ lực xây đường mới. Thực tế, chúng ta chỉ thống kê những con đường xây mới, không ai nói phía sau nó ảnh hưởng tới những công trình nào. Xây đường mới, hỏng đường cũ, ai tính toán hết những thiệt hơn?

Đảng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo xử lý vấn nạn xe quá tải. Chức năng nhiệm vụ của lực lượng chức năng, nghĩa vụ của chủ mỏ, chủ hàng, tài xế... cũng đã được quy định rõ. Câu hỏi lớn cần tìm câu trả lời là trách nhiệm của các lực lượng này thế nào?

Chỉ thị 32 của Thủ tướng đã quy định: Địa phương nào còn có xe quá tải thì Chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Sau nhiều năm, xe quá tải vẫn nhởn nhơ nhưng chưa có vị Chủ tịch UBND tỉnh nào bị xử lý.

Trần Duy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.