Phương tiện vận chuyển hệ thống dầm thép phục vụ thi công cầu đường bộ Bình Lợi tại TP.HCM |
Cùng đó, các doanh nghiệp cũng mong tất cả những thông tin liên quan đến cấp phép loại hình vận chuyển này đều được công khai, minh bạch như: Phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu thông cần có xe hộ tống, xe dẫn đường? Hay việc cấp phép được phân cấp thế nào?
Cơ quan nào cấp giấy phép xe siêu trường, siêu trọng?
Chúng tôi đem những thắc mắc của doanh nghiệp vận tải đến gặp ông Nguyễn Công Thanh, Phó cục trưởng Cục QLĐB IV. Ông Thanh cho biết, Thông tư 46/2015 của Bộ GTVT đã quy định rất rõ các điều kiện lưu hành đối với xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Trong thông tư này giải thích cụ thể hàng siêu trường là hàng không thể tháo rời. Khi xếp lên phương tiện vận chuyển, chiều dài bao ngoài của xe và hàng lớn hơn 20m, chiều rộng lớn hơn 2,5m, chiều cao từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên lớn hơn 4,2m, đối với xe container lớn hơn 4,5m. Còn hàng siêu trọng là hàng không thể tháo rời, có trọng lướng lớn hơn 32 tấn.
Tất cả chi phí thuê xe hộ tống, gia cường cầu đường thì đơn vị xin cấp giấy phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Thông tư 46 không quy định rõ lực lượng nào được hộ tống xe siêu trường, siêu trọng khi lưu thông trên đường. Chi phí thuê xe hộ tống được tính như thế nào cũng chưa quy định cụ thể. Về việc này, ông Nguyễn Công Thanh cho rằng, tùy theo quyền lựa chọn hợp đồng với các đơn vị dẫn đường trên suốt hành trình. |
Để vận chuyển được các loại hàng hóa này, doanh nghiệp (DN) vận tải phải sử dụng phương tiện có kích thước, tải trọng phù hợp, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành. Trường hợp các rơ-moóc kiểu module có tính năng ghép nối được với nhau sử dụng để chở hàng siêu trường, siêu trọng, cơ quan đăng kiểm xác nhận là xe được phép ghép nối các module với nhau.
Ông Thanh cho biết, trước đây việc cấp giấy phép lưu hành đối với xe chở hàng siêu trường, siêu trọng thuộc thẩm quyền của Tổng cục Đường bộ VN. Hiện nay, việc cấp giấy phép này đã được phân cấp cho giám đốc các sở GTVT, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ. Trường hợp đặc biệt phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình năng lượng, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định. Từ đầu năm đến nay, Cục IV cũng chỉ mới cấp giấy lưu hành cho ba phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.
Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm để cấp giấy phép lưu hành đặc biệt đối với xe chở hàng quá khổ, xe siêu trường, siêu trọng.
Khi nghe thông tin này, ông Minh Thành, giám đốc một công ty vận tải lớn ở TP HCM rất vui mừng: “Kế hoạch cấp giấy phép lưu hành đặc biệt qua mạng của Tổng cục Đường bộ VN là rất tích cực. Đây là một bước trong việc giảm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho DN”, ông Thành nói.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết: “Việc ủy quyền cho giám đốc các Sở GTVT, Cục QLĐB cấp giấy phép lưu hành đặc biệt đã tạo điều kiện hơn cho DN. Tới đây cấp giấy phép qua mạng, DN bớt được các chi phí đi lại, thời gian chờ đợi”.
>>> Xem thêm video:
Khi nào phải có xe hộ tống?
Cũng theo ông Nguyễn Công Thanh, Thông tư 46/2015 quy định chi tiết các trường hợp phải tiến hành khảo sát đường bộ trước khi vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Cụ thể, khi xếp hàng lên phương tiện mà kích thước bao ngoài có chiều rộng lớn hơn 3,75m hoặc chiều cao lớn hơn 4,75m thì phải đi khảo sát đường trước.
Trường hợp xe lưu thông trên đường cấp IV trở xuống, chiều dài lớn hơn 20m, lưu thông trên đường cấp III mà chiều dài lớn hơn 30m cũng phải khảo sát đường. Những phương tiện giao thông có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá khả năng khai thác của đường bộ phải khảo sát để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.
Ông Thanh cho rằng, do đặc trưng của xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng nên trong một số trường hợp yêu cầu phải có xe hộ tống. Tại Khoản 3, Điều 14, Thông tư 46/2015 quy định khi xếp hàng hóa lên phương tiện vận chuyển, nếu chiều rộng của tổ hợp phương tiện và hàng hóa lớn hơn 3,5m hoặc chiều dài lớn hơn 20m phải có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống. Hoặc khi phương tiện vận chuyển tại các vị trí công trình giải gia cường đường bộ cũng yêu cầu có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống.
Về lực lượng hộ tống, dẫn đoàn, ông Thanh cho biết, đơn vị có nhu cầu vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải tự liên hệ với các lực lượng theo quy định về hộ tống, dẫn đoàn để có sự hỗ trợ và chịu các chi phí. “Vừa rồi cũng có một đơn vị liên hệ với cục để nhờ hộ tống dẫn đường vận chuyển hàng siêu trường từ Ninh Thuận vào TP.HCM, nhưng do lực lượng thanh tra của cục ít người nên không đáp ứng được, đơn vị đã tự liên hệ với các lực lượng khác”, ông Thanh cho biết.
Việc kiểm tra, giám sát lưu hành của các phương tiện chở hàng siêu trường, siêu trọng thuộc trách nhiệm của các lực lượng như: TTGT, CSGT làm nhiệm vụ trên đường. Những phương tiện nào vận chuyển không có giấy phép, hoặc không chấp hành các quy định ghi trong giấy phép sẽ bị xử lý theo quy định. Trường hợp xảy ra hư hỏng công trình đường bộ do việc lưu hành phương tiện không thực hiện đúng quy định thì đơn vị vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận