Xe buýt sử dụng khí thiên nhiên (CNG) tại TP Hồ Chí Minh |
Xe buýt nhanh sẽ sử dụng CNG
UBND TP HCM vừa phê duyệt dự án sản xuất 300 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên (CNG - Compressed Natural Gas). Mục tiêu của dự án nhằm thay thế dần các xe buýt đã hư hỏng, xuống cấp, không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Gần hai năm nay, đều đặn 50 xe buýt mã số 01 sử dụng nhiên liệu CNG, có lộ trình hoạt động dài gần 9km tuyến Bến Thành - Chợ Lớn. Chuyến đầu xuất bến lúc 5h sáng và chuyến cuối lúc 20h30, phục vụ 12 nghìn lượt hành khách mỗi ngày với giá vé 4 nghìn đồng.
Theo Sở GTVT TP HCM, thời gian hoạt động thử nghiệm xe buýt chạy bằng CNG cho thấy, có rất nhiều ưu điểm, như: Động cơ vận hành êm, các khí thải độc hại giảm từ 53-63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để và đặc biệt là tiết kiệm 30-40% nhiên liệu.
"Từ thực tế trên đây, chúng tôi đề xuất triển khai mở rộng hơn nữa mạng lưới cung cấp nhiên liệu CNG cho phương tiện giao thông tại TP HCM bằng cách xây mới thêm các trạm nạp, nhanh chóng gia tăng lượng xe buýt CNG mới, sớm triển khai và hoàn thiện chủ chương đầu tư 300 xe buýt CNG của TP trong năm 2015, đồng thời triển khai ứng dụng CNG cho xe buýt TP tại Vũng Tàu”. TS. Chu Mạnh Hùng Vụ trưởng Vụ Môi trường |
Định hướng của TP HCM là toàn bộ xe buýt nhanh sẽ sử dụng nhiên liệu này để vận hành.
Theo TS. Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, trong đó có nội dung: “Khuyến khích việc đầu tư các phương tiện xe buýt sàn thấp, xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, xe buýt sử dụng nhiên liệu giảm ô nhiễm môi trường”.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Công nghiệp ô tô VN triển khai thực hiện đề án: “Ứng dụng công nghệ sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên trong sản xuất, lắp ráp ô tô khách và đề xuất giải pháp ứng dụng tại các thành phố nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường và đáp ứng tiêu chuẩn về giao thông tiếp cận”.
Ông Lương Minh Hài, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương tiện, Tổng Công ty Công nghiệp ô tô VN cho biết: “Sản xuất xe có động cơ sử dụng nhiên liệu CNG hoàn toàn không khác gì xe sử dụng diesel, vẫn sử dụng dây chuyền thiết bị có sẵn của các nhà máy của Tổng công ty”.
Khi lợi ích kinh tế của việc sử dụng CNG so với diesel là rõ ràng, việc ứng dụng giải pháp chuyển đổi xe sử dụng nhiên liệu diesel sang sử dụng CNG tại VN hoàn toàn khả thi. Trên toàn thế giới, đã có 14,8 triệu xe sử dụng CNG vào năm 2011.
Giá khí rẻ nhất, phát thải thấp nhất
Theo TS. Chu Mạnh Hùng, CNG là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là CH4 (methane) chiếm 85 - 95%, được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, mỏ dầu hoặc khí nhà máy, qua xử lý và nén ở áp suất cao (200 đến 250 bar) để tồn trữ vào bồn chuyên dụng và vận chuyển tới hộ tiêu dùng. Ở Việt Nam, khí thiên nhiên có trữ lượng vào khoảng 2.694 tỷ m3. Số lượng phát hiện được 962 tỷ m3 và có bốn cụm khai thác khí quan trọng ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, vùng biển Cửu Long, vùng biển Nam Côn Sơn và tại thềm lục địa phía Tây.
CNG có thể coi là nguồn nhiên liệu sạch bởi khi sử dụng giảm lượng phát thải ra các khí độc hại như CO, NO, SOx - là các loại khí đặc biệt gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người. Do dioxide carbon và lượng khí thải oxit nito thấp hơn, nên khi sử dụng nhiên liệu CNG sẽ giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
CNG đã được Việt Nam đưa vào thử nghiệm gần hai năm qua, lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường của việc sử dụng CNG làm nhiên liệu so với sử dụng diesel là rất lớn. Ước tính giá thành vận chuyển của xe buýt công suất 290 mã lực chạy bằng CNG chỉ bằng khoảng 70% giá thành vận chuyển của xe buýt cùng công suất chạy bằng nhiên liệu diesel.
Phương Dung
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận