Xã hội

“Xẻ thịt” tàu “ma” và chuyện “voi chui lọt lỗ kim”

22/11/2021, 10:00

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phá dỡ những con tàu cũ trọng tải nghìn tấn đến lúc xong xuôi mới bị phát hiện chẳng khác “con voi chui lọt lỗ kim".

Mải chống dịch nên chậm phát hiện?

Báo Giao thông số ra ngày 17/11 đăng bài “Bí ẩn “xẻ thịt” tàu “ma” trên sông Kinh Môn”, phản ánh việc từ nhiều năm nay, những con tàu “ma” từ khắp mọi nơi được vận chuyển về cơ sở phá dỡ tàu cũ nằm ven sông Kinh Môn thuộc địa bàn huyện An Dương, TP Hải Phòng, sau đó sẽ được cắt phá và bán sắt vụn.

Sở dĩ gọi là những con tàu “ma” bởi nếu bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, nó hoàn toàn vô chủ. Còn nếu phá dỡ tàu thành công thì cơ sở phá dỡ có thể bỏ túi cả chục tỷ đồng.

img

Khu vực chiếc tàu bị tháo dỡ trái phép nằm trên khu đất bãi bồi ven sông Kinh Môn

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Đại Bản, huyện An Dương cho biết: “Sau khi Báo Giao thông đăng tải bài viết, UBND huyện đã chỉ đạo xã Đại Bản cùng các cơ quan chức năng huyện kiểm tra, làm rõ.

Qua kiểm tra, xác định con tàu Chung Ching hiện đã bị tháo dỡ một phần. Cơ quan chức năng đã lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động tháo dỡ tàu trái phép, giữ nguyên hiện trạng chờ xử lý theo quy định”.

Cũng theo ông Trường, khu vực chiếc tàu bị tháo dỡ trái phép nằm trên khu đất bãi bồi ven sông Kinh Môn.

Tại đây, không có bến bãi cũng như hoạt động cơ khí nào. Các đối tượng lợi dụng khu đất này vận chuyển máy móc, trang thiết bị để tháo dỡ tàu.

Lý giải vì sao việc tháo dỡ một con tàu khổng lồ nhưng chính quyền không phát hiện, ông Trường cho rằng: “Do dịch bệnh căng thẳng, chính quyền xã phải huy động nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, các đối tượng di dời tàu về, tổ chức tháo dỡ tại khu vực gần kho thu mua sắt vụn, phế liệu nên chính quyền gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý”.

Còn lãnh đạo xã Lê Thiện, huyện An Dương cho biết, quá trình kiểm tra thực tế tại khu vực bến cảng trái phép ven sông thuộc khu đất của Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Thái Sơn, chiếc tàu bị tháo dỡ không còn nữa. Tuy nhiên, có rất nhiều máy móc, vỏ tàu bị cắt xẻ vẫn còn nằm trên bãi.

“Chính quyền địa phương cùng với lực lượng cảnh sát kinh tế và các cơ quan chức năng khác đã xuống kiểm tra, đồng thời lập biên bản ghi nhận vụ việc, xử lý theo quy định”, vị này nói và cũng lý giải việc chậm phát hiện là do “việc tháo dỡ diễn ra rất nhanh, trong thời điểm dịch bệnh”.

Tàu buôn lậu không về nước

Con tàu Chung Chinh treo cờ nước Cộng hòa Palau từng bị tạm giữ tại vùng biển tỉnh Quảng Ninh vì vận chuyển thuốc lá lậu số lượng cực lớn vào Việt Nam, sau đó vụ việc đã bị khởi tố, xử lý.

Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, tàu Chung Ching được thả đáng ra phải trở về nước, nhưng lại không về mà được đưa đến neo đậu tại khu vực cảng thuộc Hải Phòng để phá dỡ lấy sắt vụn, là có dấu hiệu phạm tội buôn lậu.

Theo lãnh đạo một công ty đóng tàu trên địa bàn Hải Phòng, hiện nay tại khu vực Hải Phòng mới chỉ có Công ty Đóng tàu Phà Rừng đủ điều kiện để thực hiện phá dỡ tàu cũ.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng, tổ chức, cá nhân vẫn ngang nhiên phá dỡ những con tàu cũ trọng tải nghìn tấn, mà đến lúc tháo dỡ xong mới bị phát hiện ra chẳng khác nào chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.

“Theo Nghị định 82/2019, việc phá dỡ tàu biển cũ chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định.

Quá trình tháo dỡ không được kéo dài quá 180 ngày; phải mua bảo hiểm và thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường…

Tuy nhiên, các hoạt động tháo dỡ tàu biển diễn ra trên sông Kinh Môn hiện nay hoàn toàn trái phép, lợi thì tổ chức, cá nhân được hưởng, còn các quy định về bảo vệ môi trường thì không hề có”, vị này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.