Xem - ăn - chơi

Xem gameshow “Song đấu”: Nghẹt thở với mạng người

12/04/2016, 13:14

Chương trình Song đấu đang nhận nhiều ý kiến trái chiều khi ra những màn song đấu nguy hiểm đến tính mạng con người.

game_1_470_1024x683

Tiết mục song đấu lột dừa giữa võ sư Kim Tuấn (50 tuổi) và Mỹ Linh (16 tuổi) khiến võ sư Kim Tuấn gẫy 1 chiếc răng còn Mỹ Linh thì bị chiếc nầm cứa chảy máu tay

Đổ máu và… gãy răng

Song đấu gây chú ý hiện nay không chỉ vì quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia, trong đó bộ ba Trấn Thành, Việt Hương, Đại Nghĩa làm “chủ xị”, mà còn bởi chương trình có nhiều màn thi đấu nghẹt thở khiến người xem thót tim.

Theo format của chương trình, trong mỗi tập, các nghệ sĩ khách mời sẽ trải qua bốn vòng thi cá cược, mỗi vòng sẽ có hai đấu sĩ hoặc nhóm đấu sĩ song đấu. Sau khi được hai quân sư là Việt Hương và Trấn Thành “chỉ điểm”, những khách mời sẽ đưa ra quyết định chọn đấu sĩ nào chiến thắng.

Dư luận từng phẫn nộ khi tập 3 của chương trình, phát sóng tối 19/3 trên VTV3 đã có ba người chơi gặp tai nạn khi đang thi đấu. Đó là võ sư Kim Tuấn (50 tuổi) và Mỹ Linh (16 tuổi). Cả 2 đối đầu nhau, thi xem ai lột dừa nhanh nhất. Trong trận đấu này, Mỹ Linh đã thua võ sư Kim Tuấn. Tuy nhiên, điều đáng nói là em đã bị chiếc nầm cứa vào tay chảy máu, còn võ sư cũng bị gãy một chiếc răng trong lúc thi.

Cũng trong tập 3, thợ lặn Hữu Thời ngạt thở, té xuống đất làm chiếc bình thủy tinh đựng nước rơi theo khi đang thi đấu xem ai giữ hơi lâu hơn với nghệ sĩ thổi kèn Tuấn Vũ. Tai nạn bất ngờ này khiến cả trường quay nín thở bàng hoàng.

Bên cạnh những tai nạn bất ngờ trong các phần đấu có tính nguy hiểm, Song đấu còn nhiều màn tranh đấu không kém phần nguy hiểm khác là thi xem ai trèo cao hơn khi bị trói chân, thi đập gạch,… May mắn không có tai nạn trong những trận thi đấu đó, nhưng chương trình vẫn khiến khán giả bức xúc vì sau khi thí sinh phải thi đấu đổ máu mới chiến thắng, họ chỉ nhận được những lời khen, còn người đặt cược mới là người giành phần thưởng.

Không chỉ vậy, sau khi vướng phải những ý kiến trái chiều của khán giả, tập 5 của chương trình Song đấu mới đây lại bị chê là vô bổ, nhảm nhí khi đưa những màn song đấu như: Thi xem ai khoan bóng nhanh hơn, thi giữ thăng bằng lâu hơn…

Ngoài ra, điều khiến người xem ái ngại là bên cạnh trò chơi cá cược tàn nhẫn, những trò song đấu đổ máu, nhảm nhí, chương trình còn sắp xếp những phần thi rất thiếu công bằng. Nghệ sĩ ưu tú T. thuộc ngành xiếc cho hay, anh cảm thấy nực cười khi chương trình có nhiều màn đấu rất vô lý, những đôi song đấu không cân nhau về sức và tài. “Tôi không hiểu rút cuộc chương trình này muốn gì?”.

Một ông võ sư đấu với thiếu nữ 16 tuổi chân yếu tay mềm; 22 cậu thanh niên đấu với một máy xúc cát; đo âm lượng giữa tay trống và người hát bội; thi ai nhanh hơn giữa người đi xe đạp một bánh và người kia trượt patin.

Chương trình cần có sự cảnh báo mạnh

Song đấu vốn là chương trình giải trí, là sân chơi cho những người chơi cá cược ăn tiền. Điều khiến nhiều người bức xúc là chương trình đã đưa vào không ít phần thi có tính mạo hiểm nhưng không có cảnh báo hay giới hạn người xem.

Những tình huống như: Đập gạch vào đầu, dùng răng lột dừa, nín thở… với người không chuyên, nhưng lại biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu, hàng vạn con mắt, hàng chục máy quay sẽ dễ bị lúng túng dẫn tới tai nạn. Nghệ sĩ T. cho hay: “Những tiết mục mang tính nguy hiểm như vậy mà không có cảnh báo nào. Nếu trẻ nhỏ thấy vậy, cũng bắt chước thì sao?”.

PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học sư phạm TP. HCM cho rằng: “Khi thu hình, nhân vật có thể được bảo vệ, nhưng những áp lực khi lên hình dễ dẫn đến tổn thương. Cạnh đó, áp lực thi đấu muốn chiến thắng sẽ đẩy người tham gia dễ gặp sự cố.

Chương trình này dễ dẫn đến những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của khán giả, khi họ thấy cuộc sống và sinh mạng của một số cá nhân xem ra quá rẻ, quá đơn giản, nhất là trong đó có cả trẻ em. Trẻ em có thể bắt chước hành động của những đấu sĩ, nguy hiểm khôn lường. Thứ nữa, sự hiểm nguy với nhân vật xảy ra ngay trong quá trình lên sóng. Điều này dễ dẫn tới tính thiếu nhân văn trong những chương trình có tính chất thách thức đấu đá, cá cược”, PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Theo bà Kim Nhung (Đông Tây Promotion), đại diện nhà sản xuất (NSX), Song đấu là gameshow Việt hóa của chương trình Versus (Đan Mạch). “Tất cả những người thi đấu trong chương trình đều đã được NSX mua bảo hiểm. Ngoài ra, khi đăng ký tham gia chương trình, những người thi đấu đều phải gửi về BTC giấy chứng nhận kỷ lục.

Chương trình cũng luôn có bác sĩ túc trực trong trường quay 24/24h”, bà Nhung nói.Trước câu hỏi tại sao sự cảnh báo không được nhắc đi nhắc lại trong chương trình, bà Nhung không trả lời. Ngày 4/4, ông Thái Hiệp, quản lý truyền thông của Đông Tây Promotion xác nhận, chương trình đã chạy dòng chữ cảnh báo ở dưới màn hình trong những phần thi có tính mạo hiểm.

Tuy nhiên, PV đã nhiều lần kiểm tra các tập đã phát sóng của chương trình trên kênh Youtube chính thức của chương trình và kênh vtv.vn thì không hề có bất cứ dòng cảnh báo nào. Thậm chí, trong tập 7 phát sóng mới đây (9/4), tiết mục “Ai làm bể dừa trước” được đánh giá là có tính nguy hiểm, nhưng cũng không hề có cảnh báo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.