Y tế

Xem nhẹ virus cúm, hệ lụy khó lường

31/01/2019, 07:14

Theo cảnh báo của Cục Y tế dự phòng, cúm là bệnh dễ gặp trong mùa đông xuân, nhất là dịp lễ Tết, đầu năm.

img
Một ca viêm cơ tim, suy đa tạng do nhiễm cúm “xin về” tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai

Đáng lưu ý, bệnh cúm có thể để lại những hệ lụy khó lường, thậm chí tử vong nếu người bệnh chủ quan.

Tử vong cả mẹ và thai nhi vì… cúm

Những ngày cuối năm, tâm trạng các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai thêm nặng nề khi trường hợp một bệnh nhân N.T.V. là thai phụ (31 tuổi, ở Phú Thọ) dù đã được các y, bác sĩ nỗ lực bằng mọi cách cấp cứu nhưng đành “buông tay” vì gia đình xin về. Trước đó, các bác sĩ đã buộc phải “bỏ đi” cặp thai nhi 26 tuần tuổi với hi vọng cứu được người mẹ. Tuy nhiên, bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, suy đa phủ tạng nên dù đã sử dụng đến giải pháp dùng ECMO hỗ trợ hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể, cũng không cứu được. Theo BS. Trịnh Thế Anh, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai: “Trường hợp này rất đáng tiếc, bởi bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh cúm trước đó, nhưng vì thai phụ chủ quan, cố ở nhà không đến viện. Chỉ đến khi diễn tiến bệnh nặng, suy hô hấp, gia đình mới đưa đến cấp cứu. Lúc đó đã rất muộn, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch”.

May mắn hơn rất nhiều so với thai phụ N.T.V., nữ bệnh nhân T.T.A. (26 tuổi, Quảng Ninh) đã dần hồi phục, có thể trao đổi câu chuyện với bác sĩ, điều mà trước đó chừng 2 tuần là “nhiệm vụ bất khả thi”. Chị A. nhập viện cũng trong tình trạng sốc tim, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây suy đa cơ quan như não, phổi, thận và tử vong nhanh chóng. Ngay lập tức được các bác sĩ đặt máy ECMO cho bệnh nhân. Theo BS. Thế Anh, nếu chỉ đặt máy chậm một giờ, bệnh nhân này có thể đã đối mặt với nguy cơ tử vong. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có đầy đủ dấu hiệu của bệnh cúm và đã tự ý mua thuốc cảm cúm tại hiệu thuốc để sử dụng. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, chị A. cảm thấy đau tức ngực, khó thở, gia đình vội đưa đi cấp cứu và được chẩn đoán sốc tim do virus cúm gây nên.

Theo cảnh báo của BS. Thế Anh, nhiều người lầm tưởng virus cúm chỉ gây đau họng, ho, viêm phế quản nên rất chủ quan nhưng thực tế, khi lưu hành trong cơ thể, chúng có thể tấn công lên tim gây bệnh viêm cơ tim rất nguy kịch và không biết trước được. Dấu hiệu của bệnh là mệt, khó thở, chóng mặt, tay chân lạnh dễ bị nhầm với bệnh cảm cúm, nhiễm siêu vi thông thường.

Nên tránh xa chốn đông người

Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị cúm gây ho khan, sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy, nhưng chỉ 2-3 ngày sau, bệnh nhân sốt và khó thở. Có bệnh nhân chưa kịp đến viện đã bị sốc nhiễm khuẩn, sốc tim và khi vào viện chi phí điều trị khó khăn, tốn kém, thậm chí tử vong.

Cùng với cúm, nhiều dịch bệnh dễ bùng phát trong dịp Tết như: Sởi, tay chân miệng, liên cầu khuẩn lợn. Dịp Tết và lễ hội 2019, điều kiện khí hậu đông xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi làm cơ thể con người giảm sức đề kháng, nên người yếu, nhất là trẻ em không thích nghi kịp rất dễ nhiễm bệnh. Hơn nữa, điều kiện thời tiết này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ông Trần Đắc Phu
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Mặc dù hiện nay có các kỹ thuật mới cứu người bệnh như kỹ thuật lọc máu hiện đại, kỹ thuật ECMO nhưng GS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai lưu ý, mọi người cũng không được coi thường bệnh cúm.

“Khi gặp các triệu chứng lâm sàng của cúm như: Sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan… đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp CT phổi để xác định xem bệnh nhân có nhiễm cúm hay không. Nếu bệnh có tiến triển nặng, cần nhập viện để được điều trị nhanh nhất”.

Bệnh cúm lây qua đường hô hấp và người bị cúm cần đeo khẩu trang. Khẩu trang cần giặt bằng xà phòng, sát khuẩn hàng ngày. Người khỏe mạnh đến chỗ đông người cũng nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Nếu không kiểm soát được nguồn lây, bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm cúm, kể cả trẻ con và người lớn.

“Để phòng bệnh cúm, mọi người nên đi tiêm phòng cúm, nhất là với những người mắc bệnh mạn tính, bệnh phổi, chạy thận, đái tháo đường, người thường xuyên dùng thuốc corticoid, hay người già, trẻ em vì đây là nhóm người có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Mọi người cần lưu ý nên tránh chốn đông người, nơi rất dễ lây lan virus cúm”, ông Bình cảnh báo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.