Chị Lò Thị Ngân cùng hai người em bắt ve tại Đồi A |
Vào tháng ba, tháng tư, khi hoàng hôn xuất hiện, tại vị trí cao nhất của đỉnh đồi A1 – quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), nhóm phụ nữ người Thái mang các dụng cụ như: Lưới, đèn sáng, chai lọ, thẻ tre…để “giăng bẫy” bắt ve.
Chị Lò Thị Ngân cho biết: “Khu vực đồi A1 có rất nhiều ve nên nhiều người tìm đến. Chứ không phải là nơi độc nhất, cứ miễn chỗ nào ở vị trí cao, có nhiều cây cối bao quanh là có thể bắt được ve. Muốn bắt ve thì cần phải có thủ thuật và sự phối hợp nhuần nhuyễn từ 3 người trở lên, cùng với sự trợ giúp của các dụng cụ đơn sơ nhưng hiệu quả”.
Dứt lời, chị Ngân nhanh chóng dựng một tường lưới cao chừng 1 mét, bên trên đỉnh lưới là một bóng điện tuýp màu tím nhạt, bên dưới là hai bóng điện màu trắng, bên cạnh là nhựa, bên trong có chứa nước trắng.
“Bóng điện màu tím là để thu hút ve, bóng điện sáng là làm lóa mắt ve, còn chai lọ là để nhốt ve”, chị Ngân tiết lộ.
Sau khi “giăng bẫy”, chị Ngân đứng trước "bức tường" lưới, dùng hai thẻ tre chập liên hồi vào nhau để tạo ra âm thanh “tách tách…tạch” như tiếng ve kêu. Cứ thế, chị đi xung quanh tấm lưới để “gọi ve” đến. Trong chớp nhoáng, hàng nghìn con ve lao vào mắc lưới như “thiêu thân đâm đầu vào ánh sáng”. Nhanh tay, hai người em của chị Ngân chộp bắt ve rồi cho vào chai lọ.
“Trong chai phải có nước để khi cho ve vào sẽ ướt cánh không bay được. Thời gian bắt ve chỉ được khoảng 30 phút nên hai tay phải liên tục túm nắm, nhiều khi ve thải chất bẩn ra tay cũng phải chịu”, chị Ngân cho hay.
Theo chị Ngân, thủ thuật bắt ve này chỉ người dân tộc Thái làm. Nếu may mắn, mỗi buổi sẽ bắt được 2,3 kg ve, sau đó bán cho các nhà hàng ăn uống với giá 250 – 300 nghìn đồng/kg hoặc chế biến để sử dụng. Ve chiên ròn là đặc sản của Điện Biên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận