Tuyệt diệu màn trình diễn voi làng Noong Noch |
Đến Thái Lan, ấn tượng nhất là được xem các tiết mục trình diễn của những con voi làng Noong Noch. Tuy nhiên, xem voi xứ người rồi nghĩ tới voi xứ mình ở Buôn Đôn mà thấy buồn cho cách làm của du lịch Việt.
Vắt kiệt sức voi già
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, trẻ em và cả người lớn rất thích bài hát Chú voi con ở Bản Đôn của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Được biết, ngày ấy nhạc sĩ Phạm Tuyên đến Buôn Đôn, xúc động trước hình ảnh chú voi con chưa đầy một tuổi được chăm sóc trong vòng tay của người dân buôn làng ở đây, ông đã sáng tác ca khúc này. Sau bao nhiêu năm, âm điệu vui tươi của bài hát ấy vẫn vang vọng giữa Tây Nguyên đại ngàn.
Tuy nhiên, giờ đến Buôn Đôn du khách không thấy một con voi con nào. Chỉ thấy làng du lịch Buôn Đôn có ba con voi già nua, ốm yếu chở khách du lịch qua sông chơi. Khách du lịch muốn cưỡi lên con voi già ấy dạo quanh sông Sêrêpốk trong khoảng 15 phút phải mua vé… 300 nghìn đồng.
Theo chia sẻ của cô hướng dẫn viên, phần lớn voi còn lại ở Buôn Đôn hiện nay đều ở độ tuổi khá già. Con voi “non nhất” đã 30 tuổi trong khi tuổi thọ trung bình của voi chỉ xấp xỉ 42. Như vậy, khoảng 10 đến 20 năm nữa, Bản Đôn sẽ không còn voi?
Một cán bộ quản lý Khu du lịch sinh thái Bản Đôn cho biết: Số lượng voi giảm dần do sự tác động của nhiều nguyên nhân và biến đổi về môi trường sống là một trong số đó. Nạn chặt phá, đốt rừng gia tăng khiến cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Ngày trước chỉ cần đi 1 - 2km là đến rừng, bây giờ phải đi khoảng 10 - 15km mới thấy rừng, việc cho voi vào rừng ăn cây cỏ trở nên khó hơn nhiều. Bên cạnh đó, khí hậu nóng lên cũng tác động xấu đến sức khoẻ của voi. Thời tiết hơn 300C ở Buôn Đôn lúc này không phải nhiệt độ thích hợp cho voi sinh sống, do đó voi dễ mắc bệnh hơn và không ít voi đã chết vì những bệnh vặt như cảm cúm, tiêu chảy.
Tuyệt diệu màn trình diễn voi Thái Lan
Trong chuyến du lịch từ Pattaya tới Bangkok, mới đây chúng tôi ghé thăm làng Noong Noch. Cô hướng dẫn viên nói rằng, làng Noong Noch do một người phụ nữ gốc Hoa xây dựng nên. Trong khi tham quan, chúng tôi được tham dự một tiếp mục trình diễn của voi. Có đến 20 con voi, với đủ mọi lứa tuổi và những tiết mục phong phú, điêu luyện: Voi khiêu vũ, voi lắc vòng, voi phi tiêu, voi chơi bóng rổ, đến voi massage…
Và đặc biệt, voi vẽ tranh rất đẹp. Khi những loạt pháo tay của du khách tán dương nổi lên, những chú voi tiến đến khán đài, quỳ gối trước cúi đầu chào khán giả. Ai đưa tiền, voi lấy đầu vòi kẹp lại đưa cho chủ. Tuy nhiên, khi nhiều khán giả cho tiền, voi không lấy nữa, mà kẹp tiền đưa cho một người bán chuối. Hiểu ý voi, người bán chuối lấy tiền, sau đó đưa chuối cho du khách, để du khách thưởng chuối cho voi ăn.
Lúc này, chúng tôi mới để ý, voi ở đây rất béo tròn, lông mượt, kể cả lông đuôi voi mượt và dài, chứ không giống như những chú voi già Buôn Đôn chẳng còn chiếc lông đuôi nào vì người ta đã vặt sạch để bán. Hỏi thăm một người quản voi ở đây, chúng tôi được biết, những con voi lớn ở làng Noong Noch đã được thuần phục từ voi hoang dã cách đây hàng chục năm. Nhưng cách chăm sóc voi của họ cực kỳ chuyên nghiệp.
Muốn cưỡi lên con voi già yếudạo quanh sông Sêrêpốktrong khoảng 15 phút phải mua vé mất 300 nghìn đồng |
Đất nước Thái Lan rất sùng bái voi và luôn thờ thần voi, vì vậy người Thái coi voi như là vật báu. Họ chăm sóc voi, như người ta chăm sóc thú cưng trong nhà. Trong quá trình chăm sóc đàn voi, thấy đôi voi nào mến nhau, họ cho gần gũi và kết thành đôi vợ chồng voi. Rồi họ thả voi vào rừng chuối, và chúng lần lượt sinh voi con. Những chú voi con được bàn tay con người chăm sóc từ nhỏ, nên rất dễ dạy các động tác nghệ thuật phục vụ du khách.
Người Thái sùng bái voi, nên cũng rất thích lông đuôi voi để làm nhẫn đeo cầu may mắn, cũng như thích mua sắm vật dụng được làm bằng da voi để sử dụng. Tuy nhiên, không giống Việt Nam, người Thái chỉ lấy lông đuôi voi khi nó tự rụng và lấy da voi khi voi già đã chết. Khi voi chết, người ta tế thần voi, cầu xin linh hồn voi mang lại may mắn cho người dân, cho những người sử dụng da voi vì quan niệm sẽ mang lại may mắn an lành.
Buồn cho cách làm du lịch Buôn Đôn
Năm 2005, chính quyền phát lệnh cấm săn bắt voi, cũng từ đó số lượng voi ở Buôn Đôn đã giảm rất nhanh. Bởi người ta không có kế hoạch cụ thể để voi được sinh sản, mà chỉ dùng voi để khai thác, voi già chết đi, không có voi non kế cận để làm du lịch. “Đã nhiều năm voi cứ chết dần, du khách không còn hứng thú khi đến đây. Công ty lâm vào cảnh khốn đốn, chỉ hoạt động cầm chừng; Chuyển sang làm du lịch văn hóa tín ngưỡng, làm nhà mồ để dân đến viếng voi, nhưng cũng chẳng khấm khá hơn”, Nguyễn Lê Thanh Thảo - Quản lý Khu du lịch sinh thái Bản Đôn chia sẻ.
Để có voi con, con người cần tạo điều kiện cho voi trưởng thành sống trong môi trường tự nhiên một thời gian dài như người Thái Lan làm. Điều đó đồng nghĩa với việc trong từng ấy thời gian voi vào rừng thụ thai, sinh nở, con người sẽ không thể khai thác sức lao động của voi và chấp nhận mất nguồn thu nhập.
Cho nên, chẳng ai chấp nhận cả. Đồng thời, tình trạng voi chết vì bệnh một phần cũng chịu ảnh hưởng bởi tình cảnh “năm cha ba mẹ” của khu du lịch Buôn Đôn. Không thuộc quyền sở hữu của xã, huyện hay tỉnh, Buôn Đôn được nhiều công ty du lịch thuê từ người dân bản địa rồi “chia năm xẻ bảy” để quản lý. Vì thế, việc chăm sóc voi cũng không được cẩn thận, chu đáo.
Nhà nước cũng đã có chính sách khen thưởng cho gia đình có voi sinh được voi con, nhưng cũng không một hộ gia đình nào tại Buôn Đôn thực hiện. Anh Khăm ĐRi, gia đình sở hữu voi cho biết: “Ai cũng muốn voi đẻ nhưng ở đây không ai dám thả voi về rừng lâu đâu. Chưa biết thả rồi nó có quay về không, rồi trong mấy năm voi ở rừng lấy gì làm kế sinh nhai?”.
Người dân Buôn Đôn cũng có tình cảm đặc biệt với voi, cũng đau đáu nỗi lo về tương nhưng chỉ biết thở dài. “Muốn chứ, muốn nhiều nhưng đâu có được, tiếng nói của mình nhỏ bé quá nên đâu làm được gì. Sau này, không còn voi, không biết Buôn Đôn sẽ ra sao?”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận