Sáng nay (11/10), chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp sẽ xem xét, cho ý kiến vào 12 nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.
"Nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022. Trong số này, có nguồn rất lớn, khoảng 78.000 tỷ đồng để bổ sung vào quỹ cải cách chính sách tiền lương", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Trước đó, tại hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận về lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới. Bộ Chính trị sau đó đã có tiếp thu, giải trình về nội dung này.
Còn trong báo cáo của Chính phủ cho hay đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trong đó, Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung (dự kiến thực hiện từ 1/7/2024).
Cụ thể gồm xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận