Vietjet sẽ quy hoạch thiết kế lại tổng thể CHK Chu Lai theo 4 giai đoạn |
Tại buổi làm việc chiều qua (9/3), liên quan đến đề xuất đầu tư của Vietjet vào CHK Chu Lai, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, cần có cái nhìn tổng thể và dài hạn để đầu tư xây dựng CHK quan trọng này.
Đầu tư theo 4 giai đoạn
Phó chủ tịch HĐQT CTCP Hàng không Vietjet Nguyễn Thanh Hùng cho biết, Vietjet vừa đề xuất Bộ GTVT chấp thuận về chủ trương đầu tư, cho phép DN này được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách có công suất 4 - 5 triệu khách/năm. Nếu được chấp thuận, dự kiến dự án sẽ được khởi công ngay trong quý III/2017 và hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2018, đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ hành khách đến năm 2025.
Một điểm đáng chú ý trong đề xuất của ông Hùng là Vietjet mong muốn trở thành chủ đầu tư phát triển CHK Chu Lai theo hình thức hợp đồng BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế...). “Chúng tôi mong muốn phát triển tổng thể CHK Chu Lai và các dự án thành phần gồm Trung tâm trung chuyển hàng hóa, các khu vực logistics, Trung tâm bảo dưỡng sửa chữa máy bay, động cơ”, ông Hùng nói và cho biết thêm: Vietjet muốn được đảm nhận vai trò như một nhà đầu tư chính, phát triển tổng thể dự án. Theo đó, Vietjet sẽ quy hoạch thiết kế lại tổng thể CHK Chu Lai. Trong các hạng mục đặt ra, Vietjet muốn chọn một vài hạng mục phù hợp để đầu tư, phần còn lại mời các nhà đầu tư có năng lực khác.
CHK Chu Lai được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh VN. Sau khi Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập, đầu năm 2004, nhà ga hành khách và các trang thiết bị khác nhằm phục vụ khai thác các chuyến bay thương mại đã được khởi công xây dựng và lắp đặt tại Chu Lai. Sân bay Chu Lai là sân bay dự bị cho các sân bay khác trong vùng và khu vực. Trong bán kính 3.000km, CHK Chu Lai là trung tâm của các vùng kinh tế năng động nhất Đông Nam Á và Tây Á. |
Báo cáo cụ thể hơn về đề xuất của Vietjet, Giám đốc phát triển Vũ Phạm Nguyên Tùng cho biết, hãng này phối hợp với Tập đoàn Parsons (Hoa Kỳ) xây dựng phương án tổng thể CHK Chu Lai theo 4 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 (đến năm 2020), sẽ xây dựng mới nhà ga hành khách có công suất 4 - 5 triệu khách/năm, nâng cấp, mở rộng đường cất/hạ cánh (CHC) hiện hữu lên thành 3.250x60m và đường lăn song song hiện hữu, đáp ứng hoạt động tàu bay Code E, đồng thời cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay và các đường lăn nối, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nhà ga hành khách mới…
Giai đoạn 2 (2020 - 2025), Vietjet đề xuất xây dựng mở rộng nhà ga hành khách đạt tổng công suất thiết kế 8 - 10 triệu khách/năm, mở rộng sân đỗ tàu bay, xây dựng hangar sửa chữa tàu bay và 1 khu vực nhà ga hàng hóa, khu vực logistics phía Tây Bắc. Hai hangar khác sẽ tiếp tục được xây dựng trong giai đoạn 3 (2025 - 2030) đồng thời với việc xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ phục vụ hangar. Cũng trong giai đoạn này, sẽ tiếp tục mở rộng khu hàng hóa.
Cuối cùng, trong giai đoạn 4 (sau năm 2030), Vietjet đề xuất xây dựng đường CHC mới về phía Đông cùng nhà ga hành khách thứ 2 có công suất 10 triệu khách/năm song song với việc xây thêm hangar, khu hàng hoá và khu logistics phía Tây Bắc.
Tránh tình trạng vừa xây xong đã phải nâng cấp
Khẳng định việc đầu tư vào CHK Chu Lai là cần thiết do sản lượng vận chuyển hành khách đã vượt công suất thiết kế, song đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho rằng, đề xuất của Vietjet nếu được chấp thuận có thể ảnh hưởng đến phương án CPH của ACV đã được phê duyệt. Hơn nữa, theo vị này, CHK Chu Lai hiện được quy hoạch là trung tâm trung chuyển hàng hóa chứ không phải là hành khách, nhưng đề xuất của Vietjet trong giai đoạn đầu vẫn chủ yếu là phát triển vận tải hành khách…
Phía Cục Hàng không VN, ông Đào Xuân Hoạch, Trưởng phòng Quản lý cảng hàng không, sân bay cho rằng, phương án của Vietjet phải điều chỉnh quy hoạch, đồng thời ảnh hưởng đến ACV với vai trò là người khai thác cảng. Từ đây, ông Hoạch đề nghị chỉ nên chấp thuận để Vietjet xây mới nhà ga ở vị trí quy hoạch.
Không đồng ý với quan điểm này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Chưa bàn tới đề xuất của Vietjet, chỉ xét riêng về hướng phát triển cho CHK Chu Lai, tôi cho rằng, cần có tầm nhìn dài hạn và đầu tư theo phân khúc. “Với hàng không, chúng ta đã có nhiều bài học rồi. Cát Bi, Thọ Xuân, Phù Cát là một ví dụ. Đừng để xảy ra tình trạng vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp. Tôi không chấp nhận việc đầu tư kiểu chuồng gà, gắn liền chuồng vịt. Đã làm thì phải làm cho ra tấm, ra món”, Thứ trưởng nêu rõ.
Ghi nhận sự chủ động, tích cực của Vietjet, song Thứ trưởng khẳng định, với CHK Chu Lai trước hết cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp. “Đề xuất hiện tại của Vietjet chưa đúng với quy hoạch nên nếu không điều chỉnh quy hoạch thì tuyệt đối không thể chấp nhận cho Vietjet đầu tư. Tất nhiên, sau khi quy hoạch được rà soát, điều chỉnh, nếu đề xuất này của Vietjet không phù hợp thì cũng không thể chấp nhận”, Thứ trưởng nói và nêu quan điểm: Cần thay đổi cách nhìn về hướng phát triển của CHK Chu Lai. “Theo quy hoạch cũ, sẽ phát triển CHK Chu Lai thành trung tâm trung chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, tôi ủng hộ quan điểm đưa CHK Chu Lai thành một CHK trung chuyển cả hàng hóa và hành khách”, Thứ trưởng nêu rõ.
Về quan điểm Vietjet muốn trở thành một nhà quản lý và khai thác cảng hàng không độc lập tại Chu Lai, Thứ trưởng tỏ rõ sự không đồng tình. “Vietjet phải kết hợp với ACV để đầu tư. Nếu Vietjet có tiềm lực thì kết hợp cùng ACV để khai thác như mô hình Đà Nẵng, Cam Ranh”, Thứ trưởng nói và cho biết: Hiện tại, mới huy động xong nguồn lực nhưng cơ chế hoạt động thì chưa rõ ràng. Sau hình thức đầu tư, cơ chế quản lý xây dựng cụ thể, rõ ràng, minh bạch thì ta hoàn toàn có thể áp dụng vào CHK Chu Lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận