Bộ GTVT đang xem xét để xử lý những bất cập tại các trạm BOT |
35 dự án BOT đã giảm mức thu phí
Bộ GTVT cho biết, thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá sử dụng đường bộ tại các trạm thu giá BOT trên nguyên tắc vẫn đảm bảo khả thi phương án tài chính của các dự án.
Theo đó, đối với xe loại 4 (xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 fit) giảm từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt; xe loại 5 (Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit) giảm từ 200.000 đồng/lượt xuống còn 180.000 đồng/lượt.
Kết quả, đến nay, 35 dự án đã thực hiện giảm giá vé, 27 dự án đã không cần giảm do giá vé thấp hơn mức bình quân. “Còn lại, 11 dự án chưa giảm giá vé do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến trong phương án tài chính nên nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn chưa đồng ý giảm”, Bộ GTVT cho biết.
Đặc biệt, Bộ GTVT đã hoàn thành quyết toán của 54 dự án BOT, BT đưa vào khai thác, sử dụng, trong đó có 51 dự án BOT. Trong 51 dự án BOT này, Bộ GTVT đã ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí của 23 dự án, gồm: 18 dự án giảm thời gian thu phí và 5 dự án tăng thời gian thu phí do lưu lượng thực tế thấp hơn dự báo.
Tiếp tục điều chỉnh giá dự án BOT sau quyết toán
“Còn lại 28 dự án đang được Bộ GTVT rà soát, tính toán lại phương án tài chính theo hướng ưu tiên điều chỉnh giảm giá. Trong số 28 dự án, có 21 dự án có thể điều chỉnh giảm giá”, Bộ GTVT cho biết.
Liên quan đến việc xử lý bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đến ngày 31/7/2017, Bộ GTVT đã xử lý bất cập về giá của 4 dự án (5 trạm thu giá), gồm: Dự án xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình; Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà; Dự án đầu tư XD QL 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh, Trạm Cầu Rác; Dự án mở rộng QL 1A đoạn Nam Bến Thuỷ đến tuyến tránh Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xây dựng phương án giảm giá, đề xuất Bộ GTVT chấp thuận phương án giảm giá 5 dự án (4 trạm thu giá), gồm: Dự án ĐTXD công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063+877-Km1092+577, tỉnh Quảng Ngãi; Dự án xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Đồng Hới; Dự án ĐTXD công trình Quốc lộ 1 đoạn Km672+600-Km704+900, tỉnh Quảng Bình; Dự án ĐTXD công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549-Km605+000 và đoạn Km617+000-Km641+000, tỉnh Quảng Bình và dự án ĐTXD công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức BOT.
Trong thông cáo báo chí, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh Thông tư 35/2016/TT-BGTVT để phù hợp với thực tế các dự án BOT đang triển khai; Các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ nghiên cứu đề xuất của Tổng cục ĐBVN để tham gia ý kiến, xây dựng phương án giải quyết các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT, báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ GTVT xem xét, quyết định.
Đồng thời, Bộ GTVT giao các Ban QLDA chỉ đạo nhà đầu tư các dự án đã quyết toán nhưng chưa ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí của dự án khẩn trương cập nhật lưu lượng thực tế, giá trị quyết toán công trình để tính toán lại phương án tài chính, giảm giá dịch vụ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trình Bộ GTVT thống nhất để ký phụ lục Hợp đồng điều chỉnh theo quy định.
Việc này được thực hiện theo nguyên tắc: Việc giảm giá vẫn phải đảm bảo khả thi về phương án tài chính của các dự án; giá phí trên cùng tuyến đường phải có mức tương đồng; Ưu tiên giảm mức tăng phí đối với những dự án có mức tăng phí cao cho phù hợp với chỉ số CPI và mức lạm phát trong thời điểm hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận