Tên đăng ký của phương tiện thủy gồm số đăng ký và có thể thêm cả tên riêng do chủ phương tiện đề nghị |
Từ ngày 15/2/2015, theo quy định tại Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa (có hiệu lực từ 15/2/2015), tên của phương tiện thủy nội địa bên cạnh số đăng ký do cơ quan đăng ký cấp, có thể có tên riêng.
Số đăng ký gồm: Chữ cái + 4 chữ số (hoặc 5 chữ số, với địa phương có nhiều hơn 10.000 phương tiện). Tên riêng do chủ phương tiện tự đặt (Vd: Hạ Long), nhưng không được trùng với tên đã được đăng ký. Đồng thời, “Trường hợp lấy tên nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử Việt Nam để đặt tên phương tiện, chủ phương tiện phải tuân theo quy định của pháp luật về văn hóa” - Khoản 2 Điều 5 thông tư quy định.
Các cơ quan thực hiện việc cấp, quản lý đăng ký phương tiện gồm: Cục Đường thủy nội địa VN và các Chi cục trực thuộc cấp biển số cho tàu mang cấp VR-SB. Các Sở GTVT cấp đăng ký cho tàu mang cấp VR-SB, phương tiện có tổng trọng tải toàn phần trên 15 tấn nhưng không có động cơ, phương tiện có động cơ có tổng công suất máy chính trên 15CV, phương tiện có sức chở trên 12 người.
Cơ quan quản lý giao thông cấp huyện cấp đăng ký cho phương tiện có động cơ có tổng công suất máy chính 5-15CV hoặc có sức chở 5-12 người. Cấp xã, phường, thị trấn cấp đăng ký cho phương tiện không có động cơ có trọng tải từ 1-15 tấn hoặc có sức chở 5-12 người, phương tiện có công suất máy chính dưới 5CV hoặc có sức chở dưới 5 người; tổ chức quản lý phương tiện thô sơ sức chở dưới 5 người, bè.
Tuy nhiên, nhằm tạo sự chủ động cho cơ quan quản lý địa phương, thông tư cũng quy định Sở GTVT được quản lý đăng ký đối với phương tiện thủy (dân sự) các loại; cấp huyện được cấp đăng ký đối với phương tiện thuộc thẩm quyền cấp xã cấp đăng ký.
Thông tư trên cũng quy định cụ thể về đăng ký lại phương tiện trong các trường hợp: chuyển vùng hoạt động, chuyển tính năng, chuyển quyền sở hữu; cấp lại giấy chứng nhận, xóa đăng ký phương tiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận