Một trong những mặt tích cực có thể nhìn từ đại dịch Covid-19 là tạo thời cơ để chính phủ các nước châu Âu thúc đẩy những nỗ lực khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay cho xe cá nhân, tiến tới đạt mục tiêu giảm khí thải, bảo vệ môi trường.
Mở rộng đường cho người đi bộ, xe đạp
Từ trước khi đại dịch bùng nổ tại châu Âu, rất nhiều thành phố/quốc gia ô nhiễm nặng tại khu vực này đã lên kế hoạch khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, nhằm hiện thực hóa những mục tiêu về môi trường. Tuy nhiên, những nỗ lực này gặp nhiều rào cản khi người dân vẫn thích sử dụng xe cá nhân vì sự tiện lợi cũng như coi đây là hình thức thể hiện đẳng cấp giàu có của bản thân.
Thế nhưng hiện nay, do hoàn cảnh dịch bệnh bắt buộc người dân phải hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và công cộng, xe đạp lại dần được ưa chuộng. “Đây là cách di chuyển thân thiện môi trường và tạo khoảng cách giữa những người đi đường, phù hợp với tình hình giãn cách xã hội”, nhóm vận động vì xe đạp của Pháp Club des Villes et Territoires Cyclables chia sẻ trên trang web của nhóm.
Nắm bắt cơ hội đó, giới chức các nước đã tận dụng để đưa việc sử dụng phương tiện 2 bánh trở thành thói quen thường xuyên trong đời sống. Trong đó, Bộ Sinh thái học Pháp yêu cầu thành lập một nhóm quảng bá sử dụng xe đạp nhằm giúp giới chức địa phương phối hợp tạo ra một số con đường chuyên biệt.
“Ở giai đoạn này, chúng tôi hướng tới xây dựng những con đường tạm thời dành cho xe đạp và do chính quyền địa phương thực hiện. Về lâu dài, kế hoạch phát triển những con đường cho xe 2 bánh sẽ tiếp tục được thực hiện”, Bộ Sinh thái học Pháp cho biết.
Nhờ có một loạt các dịch vụ chia sẻ xe đạp cùng nỗ lực xây dựng đường dành cho xe đạp trên khắp Paris và các thành phố khác nhiều năm qua, hiện nay, người dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng phương tiện 2 bánh để di chuyển.
Thành phố Milan của Italia cũng lên kế hoạch mở thêm đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ. Milan sẽ cải tiến 35km đường để người đi xe đạp, đi bộ dễ tiếp cận hơn, từ đó người đi làm/đi học có phương tiện di chuyển an toàn, tránh giao thông công cộng và tắc đường khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Làm đường tiện dụng, thân thiện môi trường cho xe đạp
Ở Đức, một trong những quốc gia chuộng ô tô nhất thế giới với hệ thống đường cao tốc Autobahn cho phép xe chạy mọi tốc độ, giới chức Thủ đô Berlin đã tiếp bước New Zealand thực hiện chiến lược “pop-up” hạ tầng cho xe đạp. Hiểu nôm na, đây là việc mở rộng làn đường dành riêng cho xe đạp trên làn đường vốn dành cho xe ô tô bằng cách sơn lại đường bằng những vật liệu có thể xóa, dùng biển báo di động. Tới đây, khi những rào cản đi lại được dỡ bỏ, họ sẽ dễ cải biến những con đường này trở về nguyên trạng như trước, trả lại không gian cho ô tô.
Chiến lược làm đường “ăn liền” cho xe đạp này được thử nghiệm lần đầu tiên tại quận Kreuzberg (Berlin), trong đó giới chức địa phương tạm thời nới thêm 2 làn đường dành cho xe đạp với mục đích giúp người sử dụng có thể giữ khoảng cách 1,5m trong bối cảnh lưu lượng ô tô đang giảm.
Chương trình thử nghiệm đã chứng minh được thành công chỉ sau vài ngày khi vừa cải thiện an toàn cho người đi đạp xe mà lại không gây cản trở giao thông. Từ đó, giới chức mở rộng chương trình ra một số con đường khác ở quận Kreuzberg cũng như quận Schoneberg và Tempelhof.
Trong trường hợp giới chức nhận thấy hạ tầng này mang đến lợi ích cho người dân, họ sẽ chuyển đổi vĩnh viễn sang dành cho xe đạp.
Trên toàn nước Đức, các cửa hàng chuyên sửa chữa xe đạp vẫn được mở cửa dù các dịch vụ khác như sửa chữa, showroom ô tô… phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19. Bang Baden-Wuerttemberg, nơi đặt trụ sở tập đoàn sản xuất ô tô khổng lồ Daimler AG cũng tăng gấp đôi ngân quỹ, lên mức 58 triệu euro (tương đương 63 triệu USD) dành cho việc đầu tư xây dựng, bảo trì đường cho xe đạp, người đi bộ trong năm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận