Pháp đình

Xét xử cựu lãnh đạo MHB: Tranh cãi gay gắt về 272 tỷ đồng

20/11/2018, 16:31

"272 tỷ đồng giám định viên không gọi là thiệt hại vậy gọi tên pháp lý cho con số này là gì”?-luật sư hỏi.


FullSizeRender

Các bị cáo có mặt tại tòa 

Chiều 20/11, phiên tòa xử sơ thẩm vụ án liên quan dàn lãnh đạo Ngân hàng MHB và Chứng khoán MHBS tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.

Các luật sư đều cho rằng, mấu chốt của vụ án này giám định thiệt hại. Cụ thể trong vụ án có hai bản giám định: Giám định thiệt hại việc NH MHB chuyển vốn qua Công ty chứng khoán MHBS để mua trái phiếu chính phủ và định thiệt hại việc sử dụng vốn này để kinh doanh chứng khoán MHBS. Bởi vậy, việc đối chất, xét hỏi với giám định viên của NH Nhà nước và Kiểm toán viên là rất quan trọng.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ nêu, căn cứ vào kết luận giám định số 9037 ngày 25/11/2016 tại trang 3,4 có nêu sở giao dịch MHB chuyển vốn cho MHBS qua các năm với số tiền hơn 4.900 tỷ. Cụ thể, năm 2011 số tiền 2904 tỷ, 2012 là 1721 tỷ, 2013 là 350 tỷ. Vậy tại sao bản giám định chỉ nêu con số tổng mà không nêu con số hàng năm thiệt hại bao nhiêu, vì nêu con số tổng chuyển vốn gây dễ dẫn đến hiểu lầm?

Giám định viên NH Nhà nước trả lời: “Trong kết luận tôi không sử dụng từ thiệt hại. Các con số là từ Cơ quan CSĐT gửi qua để chúng tôi giám định thiệt hại”.

“Có nghĩa là cơ quan cảnh sát điều tra đưa các anh con số thiệt hại bao nhiêu thì anh giám định bấy nhiêu phải không?”, luật sư Thơ tiếp tục hỏi và  giám định viên tiếp tục khẳng định không phải con số thiệt hại.

“Không phải thiệt hại, vậy anh cho rằng con số này là con số gì?”, luật sư hỏi và giám định viên trả lời đó là con số… cụ thể tại thời điểm đấy.

“Con số cụ thể tại thời điểm đấy nhưng anh gọi tên pháp lý nó là con số gì? Cơ quan Điều tra đưa con số bao nhiêu thì anh kết luận bấy nhiêu à? Tổ giám sát, giám định phải là người giám định độc lập, không có chuyện Cơ quan điều tra đưa thế nào giám định thế nấy”, luật sư Thơ nêu tại tòa.

Luật sư Thơ cũng hỏi giám định viên rằng, Cơ quan giám định NHNN có chức năng giám định chứng khoán không? Tuy nhiên giám định viên trả lời là không.

Tương tự như vậy lần lượt các luật sư đều hỏi xung quanh vấn đề giám định thiệt hại. Chủ tọa cũng cho phép bị cáo Huỳnh Nam Dũng hỏi giám định viên “Trong kết luận điều tra bổ sung có thêm nhiều tình tiết mới cũng ghi rõ tôi không chỉ đạo… Vậy với những tình tiết mới như vậy ông có giám định như cũ hay không”? Đại diện giám định viên thừa nhận “kết quả giám định dựa vào chứng cứ, tài liệu thời điểm đó chúng tôi giám định là như vậy”.

Trước HĐXX ông Dũng cũng khẳng định trong quá trình mua bán chuyển nhượng MHB qua BIDV theo quy định của NH Nhà nước là bàn giao nguyên trạng sổ sách. Khoản nợ này không chỉ đã được trích lập dự phòng rủi ro 200 tỷ đồng mà còn có tài sản thế chấp. Bởi vậy khi bàn giao NH cho BIDV trên sổ sách đây không phải là khoản nợ, mà khi thu hồi sẽ được hạch toán vào lợi nhuận. Còn để tính đến là thiệt hại hay nợ thì phải tính đến tài sản của MHBS. Khoản 272 tỷ đồng là khoản có thể thu hồi từ MHBS chứ không phải thiệt hại.

Tương tự như vậy, luật sư Trương Trọng Nghĩa, bào chữa cho bị cáo Huỳnh Nam Dũng, cựu chủ tịch MHB và MHBS hỏi giám định viên có biết mục đích bản giám định MHBS dùng vào việc gì không. Giám định viên NH Nhà Nước từ chối trả lời và cho biết khi được giao giám định thì làm hết sức mình theo đúng quy định pháp luật. “Cơ quan điều tra đưa họ những gì thì họ căn cứ pháp luật để xem xét giám định”, Giám định viên NH Nhà nước trả lời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.