Mâu thuẫn giữa lời khai của lãnh đạo và nhân viên
Ngày 17/10, trong phần xét hỏi của Công tố viên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La đối với bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga. Trước tòa, lời khai báo của bị cáo hoàn toàn trái ngược với lời khai của bị cáo Trần Xuân Yến (Yến từng là sếp lãnh đạo của bị cáo Nga).
Bị cáo Nga khai rằng: Bị cáo được giao nhiệm vụ là quét và nhập ảnh bài thi do tổ trưởng Trần Xuân Yến phân công. Nếu thực hiện đúng theo Công văn 991 và của Bộ GD&ĐT trong quá trình xử lý bài thi, thì sau khi cắt bài thi và quét xong, phải niêm phong ngay.
Nhưng các bài thi lại không niêm phong ngay mà các túi đựng bài thi vẫn để trong phòng sau khi xử lý. Đến ngày 14/7 khi chỉnh sửa điểm bài thi mới được niêm phong. Đây là việc làm trái quy định.
Theo bị cáo Nga khai: Trước khi chấm thi trắc nghiệm, bị cáo được ông Trần Xuân Yến gọi tôi sang phòng hỏi rằng: Năm nay, trong Sở có một số con cháu và các trường hợp con của cán bộ, để nâng điểm bài thi thì phải làm các thao tác như thế nào. “Muốn sửa điểm chỉ có sửa điểm trực tiếp vào bài thi và không được niêm phong bài thi thì mới thực hiện được. Ngoài ra, phải có sự đồng thuận, giúp đỡ bên công an” bị cáo Nga nói.
Tại tòa, bà Nga khẳng định: Bị cáo Yến đưa danh sách 13 thí sinh là nhờ nâng điểm chứ không phải nhờ xem điểm.
Còn về đĩa CD in sao dữ liệu bài thi, bị cáo Nga nói bị cáo Yến khai báo không đúng sự thật. Theo bị cáo Nga, khi cả 2 bị cáo tác động vào máy lưu trữ dữ liệu thi, vì sợ mất dữ liệu trong máy nên bị cáo Yến đã bảo bị cáo Nga in ra 16 đĩa CD đề phòng. Sau đó, việc gian lận thi cử bại lộ, do sợ thanh tra phát hiện nên bị cáo Yến đã đưa đi tiêu hủy.
Trước đó, bị cáo Trần Xuấn Yến lại khai rằng: 13 thí sinh mà ông nhờ bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga là để xem điểm cho các thí sinh, chứ không nhận nâng điểm cho thí sinh nào. Đây là danh sách của đồng nghiệp, bạn bè.
Còn việc tiêu hủy 16 bộ đĩa CD in dữ liệu thi là do Bộ GD&ĐT đã lên kiểm tra, rà soát và đã niêm phong toàn bộ dữ liệu. Do thấy bộ đĩa CD in dữ liệu ra giống như dữ liệu trong máy nên thấy việc giữ lại các đĩa CD không cần thiết nữa. Bị cáo Yến đã đưa toàn bộ đĩa CD chứa dữ liệu thi này ra nghĩa trang tiêu hủy.
Nhân chứng phủ nhận việc đưa 440 triệu đồng cho bị cáo
Chiều 17/10, phiên tòa xét xử gian lận thi cử tại Sơn La tiếp tục với việc các luật sư xét hỏi các bị cáo, nhân chứng và những người liên quan đến vụ án.
Theo lời khai báo của bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) là ủy viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
Theo cáo trạng, trước khi chấm thi, Cầm Thị Bun Sọn được bà Hoàng Thị Thành, Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đặt vấn đề, đưa thông tin của thí sinh D.H.T (con trai bà Thành) nhờ nâng điểm các môn toán, văn, lịch sử để đủ điểm xét tuyển vào trường Công an nhân dân. Sau khi chấm thẩm định lại bài thi không đủ điểm và bị trả về.
Khi được Luật sư Bùi Việt Anh hỏi bị cáo đã khai nhận 440 triệu đồng của bà Thành, chia thành 2 đợt. Bị cáo giải thích như thế nào về mâu thuẫn này, bản chất là 200 triệu hay 440 triệu?
Bị cáo Sọn nói rằng: Đã nhận được của bà Thành 440 triệu, trong đó tôi dự định lấy 200 triệu cảm ơn những thành viên trong tổ xử lý bài thi đã giúp đỡ. Còn 240 triệu tôi định gửi lại cho bà Thành vì bà Thành là bạn của tôi. Tại cơ quan điều tra tôi vẫn xin trả lại 240 triệu cho bà Thành. Tuy nhiên sau khi được cơ quan điều tra giải thích tôi đã nộp lại số tiền 240 triệu này cho cơ quan điều tra. Việc giao nộp tiền có biên bản.
Trước tòa bà Thành khai rằng: “Tôi không đặt vấn tiền nong gì với bị cáo Sọn. Còn việc bị cáo Sọn khai tôi đưa 440 triệu đồng là sai”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận