Pháp đình

Xét xử TNGT 4 người chết: Người nhận tội, kẻ kêu oan

09/05/2018, 19:03

Với bản luận tội của Viện kiểm sát, Sơn đã nhận tội nhưng Hoàng thì kêu oan.

20180509_162414

Bị cáo Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng (phải) tại phiên tòa xét xử ngày 9/5

Ngày 9/5, Tòa án nhân dân Tx. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” trong vụ TNGT xảy ra cuối năm 2016 trên cao tốc Hà Nội  - Thái Nguyên khiến 4 người tử vong, 6 người bị thương.

Hai bị cáo bị đưa ra xét xử là Ngô Văn Sơn (SN 1978, trú tại thôn Đông Mai, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, trú tại thôn Cộng Hòa, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Theo cáo trạng, vào hồi 15h39’ ngày 19/11/2016, Ngô Văn Sơn (có GPLX hạng B2) điều khiển xe ô tô loại 8 chỗ, nhãn hiệu TOYOTA – INNOVA BKS 99A – 142.53 trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, trên xe chở 10 người từ Bắc Ninh lên Thái Nguyên ăn cưới. Khi đi đến địa phận xóm Sử, xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên, do đi quá nút giao Yên Bình nên Ngô Văn Sơn điều khiển cho xe lùi theo hướng Thái Nguyên – Hà Nội để đi ra nút giao Yên Bình.

Cùng lúc, Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe ô tô sơ mi rơmooc, đầu kéo BKS 98C – 07917, rơmooc BKS 89R – 004.85 đi đến nút giao Yên Bình, do không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật nên đầu xe của Hoàng đã đâm vào đuôi xe ô tô của Sơn. Hậu quả, 4 người trên xe INNOVA chết gồm: Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Mai Anh, Lê Tuấn Hùng, Lê Văn Lượng. Riêng Trần Thế Khoa bị thương tích gây tổn hại sức khỏe 97% và Nguyễn Thị Viên bị thương tích 14%.

20180509_074110

Hai bị cáo được dẫn giải vào phiên tòa

Đại diện Viện kiểm sát thị xã Phổ Yên luận tội: Đối với Ngô Văn Sơn vi phạm khoản  2 Điều 16 Luật giao thông đường bộ quy định: “Không được lùi xe khu vực cấm dừng…đường cao tốc”"; Vi phạm khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ quy định: “Điều khiển xe ô tô…mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”; Vi phạm điềm d khoản 1 Điều 68 Luật giao thông đường bộ quy định: “Không chở hành khách…vượt quá trọng tải, số người quy định”.

Đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe ô tô vi phạm Điều 12 Luật giao thông đường bộ quy định: “Người lái xe…phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình…”

Từ những luận tội trên, Viện kiểm sát khẳng định Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng đã phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Trước những câu hỏi của HĐXX, bị cáo Ngô Văn Sơn đã thừa nhận các lỗi vi phạm của mình. Sơn khai nhận: “Bị cáo biết mình đã vi phạm về lỗi giao thông chở quá số người quy định, có nồng độ cồn trong người khi điều khiển phương tiện (Kết quả đo nồng độ cồn là 0,192mg/lít khí thở) và dừng đỗ xe sai quy định…Bị cáo xin lỗi các nạn nhân và gia đình của họ”.

Trái với bị cáo Sơn, bị cáo Lê Ngọc Hoàng khẳng định trước HĐXX là bị oan và không có tội. Hoàng khẳng định: “Bị cáo không sai, không đồng ý với bản luận tội của Viện kiểm sát…Khi chưa đi đến nút giao Yên Bình, tôi có nhìn thấy chiếc xe ô tô màu trắng phía trước, sau này được xác minh là xe INNOVA của anh Ngô Văn Sơn, với khoảng cách chừng 60 – 70 mét, tôi đã rà phanh, giảm tốc độ”.

78019c3095d57b8b22c4

Đại diện Viện kiểm sát thị xã Phổ Yên luận tội các bị cáo theo bản cáo trạng

Giữ quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh: “Khi chiếc ô tô INNOVA cách đầu xe của Hoàng khoảng 70 mét bật đèn phanh đỏ, Hoàng không phanh xe giảm tốc độ mà quan sát gương chiếu hậu bên trái thấy 1 xe đầu kéo ben nên đầu xe của Hoàng đâm vào đuôi xe ô tô do Sơn điều khiển đẩy đi theo hướng Hà Nội – Thái Nguyên khoảng hơn 38 mét thì dừng lại. Mặt khác, theo kết quả điều tra từ hộp đen của chiếc xe đầu kéo Hoàng điều khiển cho thấy không có sự thay đổi tốc độ mà đột ngột từ 62km/h xuống 0km/h”.

Tại phiên tòa, các nạn nhân bị thương cùng gia đình nạn nhân có người chết trong vụ tai nạn cũng đã đưa ra ý kiến về việc bồi thường thiệt hại.

Ông Trần Thế Bằng, anh trai ruột của nạn nhân Trần Thế Khoa cho biết, sau vụ tai nạn, ông Khoa bị tổn hại sức khỏe 97% và được bệnh viện trả về hơn 1 năm nay, hiện đang sống thực vật. Ngoài các chi phí về chữa trị, những ảnh hưởng về tinh thần của gia đình nạn nhân là cực lớn, đề nghị HĐXX xử  đúng pháp luật đối với các bị cáo và xử mức bồi thường hợp lý cho gia đình.

cfb49ec491217f7f2630

Luật sư Bùi Đình Ứng và cộng sự tại phiên tòa

Chị Nguyễn Thị Viên, nạn nhân bị tổn hại sức khỏe 14% , là vợ của anh Lê Văn Lượng, mẹ của Lê Tuấn Hùng (đã chết) bức xúc: “Từ khi chồng con tử nạn, gia đình bị kiệt quệ về kinh tế và suy sụp về tinh thần rất lớn. Mới đây, bố chồng cũng đã chết vì bệnh tật nên càng đau xót. Gia đình mong muốn phiên tòa xử nghiêm minh, công bằng, yêu cầu các bên liên quan bồi thường thiệt hại đúng pháp luật và sớm kết thúc vụ án để những người còn sống nguôi ngoai nỗi mất người thân”.

Luật sư Bùi Đình Ứng, Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng – Đòan Luật sư TP. Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại cho biết: “Vấn đề bồi thường của bà Viên và các gia đình nạn nhân khác đã có đơn gửi tòa án. Mong HĐXX xem xét”.

 Báo Giao thông tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.