Pháp đình

Xét xử vụ "bốc hơi" ngàn tỉ: Xin thay đổi kiểm sát viên vì… nói khó nghe

13/06/2019, 10:43

Đại án thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô tiếp tục đưa ra xét xử.

img
Các bị cáo tại phiên tòa

Ngày 13/6, TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa sơ thẩm đưa vụ án vi phạm quy định về hoạt động cho vay gây thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô) ra xét xử sau nhiều lần tạm hoãn trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Bị cáo xin thay đổi kiểm sát viên

Các bị cáo trong vụ án gồm: Nguyễn Minh Chuyển (SN 1965), nguyên Giám đốc VCB Tây Đô; Trần Anh Huy (SN 1972), nguyên Trưởng Phòng khách hàng; Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1971), cán bộ VCB Tây Đô, cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

8 bị cáo là giám đốc các doanh nghiệp bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Hùng Cường (SN 1971); Nguyễn Công Trừng (SN 1982); Võ Vũ Bình (SN 1974); Hoàng Cao Thám (SN 1984); Trang Hồng Sơn (SN 1982); Võ Hoàng Thám (SN 1987); Trịnh Minh Tú (SN 1964); Nguyễn Thanh Hùng (SN 1968) .

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2010 - 2014, Chuyển, Huy, Nghĩa và một số cán bộ của VCB Tây Đô đã có hành vi vi phạm trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra giám sát vốn vay đối với 56 hợp đồng tín dụng cho 41 doanh nghiệp thuộc 6 nhóm khách hàng: nhóm Nam Sông Hậu; nhóm Du lịch Đại Dương; nhóm Cơ khí Tây Đô; nhóm An Đô; nhóm Thép Đông Dương; nhóm Trường Nguyên, với tổng số tiền giải ngân hơn 2.476 tỷ đồng vay vốn, đến nay không có khả năng thu hồi.

Ngoài ra, Chuyển đã để cho các bị cáo là Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng, Hoàng Cao Thám, Trần Văn Anh Duy, Võ Vũ Bình, Võ Hoàng Thám, Trang Hồng Sơn, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng là chủ các doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô với tổng số tiền hơn 1.040 tỷ đồng.

Đặc biệt, Chuyển tạo cơ hội cho 2 em ruột là bị cáo Cường, Trừng chiếm đoạt hơn 243 tỷ đồng.

Cáo trạng quy kết, Chuyển là người tổ chức, chủ mưu và thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động cho vay, gây thiệt hại hơn 1.838 tỷ đồng cho ngân hàng VCB Tây Đô nên phải chịu trách nhiệm chính.

Đối với bị can Trần Văn Anh Duy, đã có hành vi giúp sức cho Vưu Minh Tuấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng hiện Tuấn đã bỏ trốn, hành vi phạm tội của Tuấn có liên quan trực tiếp đến xác định vai trò, hành vi phạm tội của Duy nên VKSND Tối cao ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Khi nào bắt được Tuấn sẽ xử lý trong cùng 1 vụ án.

Trong phần thủ tục, bị cáo Vũ Bình bất ngờ xin thay đổi kiểm sát viên là ông Đặng Quốc Việt vì cho rằng vị này đã không có sự khách quan trong vụ án. Vũ Bình trình bày đã rất nhiều lần khiếu nại, nhưng kiểm sát viên đã không giải quyết, không có văn bản về việc thay đổi kiểm sát viên, cạnh đó vị kiểm sát viên này là người miền ngoài, giọng nói khó nghe.

“Bị cáo đề nghị thay đổi kiểm sát viên, có như thế thì bị cáo mới được giải oan”, Vũ Bình nói.

Sau khi hội ý, HĐXX đã không chấp nhận đề nghị của bị cáo vì cho rằng lấy lí do vùng miền để thay đổi kiểm sát viên là không có căn cứ. Đồng thời, bị cáo cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc kiểm sát viên đã không khách quan.

img
Bị cáo Vũ Bình

Công bố kết luận điều tra bổ sung

Sau phần thủ tục VKS đã công bố kết luận điều tra bổ sung (lần 5) của Cơ quan an ninh Bộ Công an.

Theo đó, Nguyễn Hùng Cường khai nhận từ cuối năm 2012, Công ty TNHH Vĩnh Nguyên (thuộc nhóm khách hàng Trường Nguyên) không có khả năng thanh toán nợ cho VCB Tây Đô. Trần Anh Huy (nguyên trưởng phòng khách hàng VCB Tây Đô) đề nghị Cường tiếp nhận, điều hành và gánh lại khoản nợ của Công ty Vĩnh Nguyên tại VCB Tây Đô. Huy hướng dẫn Cường sử dụng pháp nhân Công ty Vĩnh Nguyên và lập các pháp nhân mới để vay vốn đảo nợ tại VCB Tây Đô.

Còn Nguyễn Thanh Hùng (chủ nhóm khách hàng An Đô) khai khi các công ty trong nhóm An Đô không còn khả năng thanh toán các khoản vay đến hạn, Hùng đã trực tiếp gặp Chuyển, Anh Huy để trao đổi và xin phá sản. Tuy nhiên, Chuyển, Huy không đồng ý mà tiếp tục cho các công ty trong nhóm An Đô của Hùng vay để đảo nợ nhằm mục đích không để nợ xấu tại VCB Tây Đô. Do vậy Hùng tiếp tục sử dụng các pháp nhân trong nhóm lập chứng từ, hồ sơ khống để ký hợp đồng tín dụng vay vốn tại VCB Tây Đô. Ngoài ra, một số khoản nợ trong nhóm An Đô, VCB Tây Đô tự sử dụng tiền vay của các nhóm khác để đảo nợ Hùng không biết…

Chuyển, Anh Huy khai không hướng dẫn doanh nghiệp để cho vay vốn đảo nợ và không biết các doanh nghiệp lập khống hồ sơ để rút vốn vay.

Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định, các bị cáo là chủ các pháp nhân doanh nghiệp đã trực tiếp chỉ đạo lập các pháp nhân mới, sau đó lập khống hồ sơ, tài liệu đưa vào VCB Tây Đô xin cấp hạn mức sử dụng rồi chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ khống để rút vốn vay, sử dụng số tiền không đúng mục đích vay vốn. Do đó đủ căn cứ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với nhóm bị cáo này.

Nhóm bị cáo thuộc ngân hàng VCB Tây Đô, quá trình điều tra, từ chứng cứ thu thập được đã đủ cơ sở chứng minh các bị cáo đã vi phạm pháp luật về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.