Chiều 16/1, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận làm 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình với phần hỏi của các luật sư.
Tại phiên xét xử, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đã tập trung hỏi các bị cáo liên quan về việc sửa chữa hệ thống RO số 2 dẫn đến sự cố khiến 9 người chết.
Trả lời luật sư về lý do chỉ định gói thầu thay thế, sửa chữa hệ thống RO số 2 cho Công ty Thiên Sơn, bị cáo Trương Quý Dương, cựu Giám đốc Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình cho biết việc chọn Công ty Thiên Sơn là do chỉ định thầu rút gọn, không mời thầu rộng rãi. Tuy nhiên, khi luật sư hỏi tại sao không mời thầu rộng rãi nhưng có nhiều báo giá từ các công ty gửi đến bệnh viện, bị cáo Dương cho rằng câu hỏi này nên dành cho Phòng Vật tư - Thiết bị y tế của Bệnh viện.
Ngay sau đó, bị cáo Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế được mời lên trả lời. Bị cáo Thắng cho biết, theo quy chế của Bệnh viện, nhiệm vụ của Phòng Vật tư - Thiết bị y tế là khi nhận được đề xuất của các Khoa hoặc Phòng Vật tư - Thiết bị y tế thấy cần sửa chữa, bảo dưỡng mà vượt quá thẩm quyền của Phòng thì sẽ lập biên bản đánh giá tình trạng hỏng hóc, liên hệ với nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp thiết bị khảo sát, đưa ra nội dung chi tiết cần sửa chữa.
Việc Phòng Vật tư - thiết bị y tế phối hợp cùng Phòng Tài chính - kế toán lấy báo giá là quy chế nội bộ. Về sửa chữa hệ thống RO số 2 vào ngày 28/5/2017, bị cáo Thắng cho biết thuộc nhiệm vụ của nhân viên Trần Văn Sơn do Sơn trực tiếp quản lý thiết bị tại đơn nguyên Thận nhân tạo.
Trả lời luật sư, bị cáo Sơn cho biết đã trực tiếp gọi cho Công ty Thiên Sơn xin tư vấn các hạng mục cần thay thế, sửa chữa. Sau khi các thủ tục được duyệt, bị cáo Thắng chỉ đạo Sơn gọi cho Công ty Thiên Sơn để lấy báo giá.
Tuy nhiên thời điểm ký hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và bệnh viện vào ngày 10/8/2016 về việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO, bị cáo Sơn cho biết đang được cử đi học nên không phụ trách.
Tuy nhiên, bị cáo Thắng cho rằng Sơn chỉ đi học theo diện vừa học vừa làm, việc học diễn ra vào tối thứ sáu và hai ngày cuối tuần nên vẫn đảm nhiệm công việc tại phòng.
Ngay lập tức, bị cáo Sơn đối chất: "Hầu như việc sửa chữa diễn ra vào cuối tuần để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến công việc khám chữa bệnh, do vậy bị cáo không thể có mặt vì đang đi học”.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc ai là người giám sát bị cáo khi thực hiện việc súc rửa đường ống, bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty Trâm Anh cho biết do thời gian đã quá lâu nên không nhớ mình có thực hiện công việc này hay không.Và tất cả nhừng lần bị cáo Quốc lên làm việc cho Công ty Thiên Sơn tại Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình, nếu phải thay màng lọc RO đều yêu cầu phải xét nghiệm AAMI.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) sau đó đã từ chối trả lời câu hỏi của luật sư về việc theo Hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện ĐK Hòa Bình, quy định công ty này phải cử cán bộ kỹ thuật trực tại bệnh viện hỗ trợ bệnh viện khi cần thiết, vậy ai là kỹ thuật viên có mặt thời điểm đó. Đồng thời cho biết, việc theo dõi là đối với máy chạy thận, không bao gồm hệ thống RO.
Phiên xét xử vụ án tiếp tục được diễn ra vào ngày mai (17/1).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận