Tiếp diễn biến phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình làm 9 người chết trong ngày 15/1, sau phần thẩm vấn đối với hai bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) và Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc), HĐXX yêu cầu bị cáo Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phòng Vật tư và thiết bị y tế) lên bục khai báo.
Trả lời câu hỏi của HĐXX: “Bị cáo đã thực hiện hết các quy định của pháp luật và của Bệnh viện liên quan đến vị trí công tác của mình?”, ông Thắng khai đã làm đúng chức năng, quyền hạn của mình trong Quy chế bệnh viện cũng như sự phân công của Giám đốc. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, ví dụ như việc lưu trữ các văn bản, giấy tờ không được tốt, khi cần tìm lại thì gặp nhiều khó khăn.
Hàng năm, bị cáo đều tham mưu cho lãnh đạo Bệnh viện kiểm tra an toàn trang thiết bị định kỳ, xây dựng danh mục trình Giám đốc phê duyệt, đồng thời tổ chức việc kiểm tra. Với trang thiết bị của khoa Hồi sức tích cực, trong đó có đơn nguyên thận, bị cáo phân công cho Trần Văn Sơn phụ trách sửa chữa, bảo dưỡng. Việc phân công thực hiện theo hàng năm hoặc thay đổi khi có đột biến (nghỉ hưu, thai sản, ốm đau…). Hình thức phân công là qua các cuộc họp giao ban của phòng, các thành viên đều nắm rõ.
Tuy nhiên, khi chủ tọa nhiều lần hỏi cụ thể bị cáo đã xây dựng được quy trình nào, số văn bản là bao nhiêu, ai ký…? thì bị cáo lại không trả lời được. Ông Thắng nói do khâu lưu trữ còn yếu, những bản chính thống có chữ lý của lãnh đạo Bệnh viện đã thất lạc.
Ông Thắng cũng khai đối với một thiết bị y tế thì sẽ có rất nhiều khâu quản lý. Ví dụ về đầu tư thì do lãnh đạo Bệnh viện; về sử dụng thì do phòng, khoa được giao phụ trách; còn về bảo dưỡng và sửa chữa thì do Phòng Vật tư thiết bị y tế… Tương tự, với hệ thống máy lọc thận, Phòng Vật tư thiết bị y tế không thể sử dụng mà chỉ bảo dưỡng, sửa chữa, đề xuất thay thế.
Trả lời về việc sửa chữa hệ thống RO số 2 vào ngày 28/5/2017, ông Thắng khẳng định nắm rõ, vì từ đầu năm 2017 đã xây dựng kế hoạch trong đó sẽ sửa chữa cả 3 hệ thống RO, dự kiến thực hiện vào quý II. Theo kế hoạch, Trần Văn Sơn được giao tìm kiếm, giao dịch với đơn vị sửa chữa. Sau đó, Sơn thông báo lại với ông Thắng về việc sửa chữa, đồng thời đưa cho xem báo giá của Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn. Ông Thắng nhất trí, nhưng chỉ nắm bắt về nội dung sửa chữa, còn quá trình sửa chữa ra sao thì do Sơn phụ trách, nếu có gì bất thường thì mới báo cáo.
Tại cuộc họp giao ban sáng 29/5, Sơn báo cáo đã sửa chữa xong hệ thống RO số 2. Ông Thắng hiểu rằng đây mới chỉ xong phần sửa chữa, còn phần xét nghiệm nước là chưa xong, do đó chỉ đạo Sơn làm các thủ tục tiếp theo (bàn giao lại tài sản cho khoa Hồi sức tích cực, lấy mẫu nước đi xét nghiệm...).
Ông Thắng cũng khẳng định trước tòa là có nắm được nội dung xét nghiệm nước nằm trong danh mục hợp đồng, tùy từng đợt, thời gian chờ lấy kết quả xét nghiệm có khi 10 ngày, có khi ít hơn.
Nghe đến đây, chủ tọa ngay lập tức đặt vấn đề bị cáo có cảnh báo đối với khoa Hồi sức tích cực cũng như đơn nguyên lọc máu về việc không được sử dụng hệ thống RO số 2, phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước hay không? Sau khi trả lời vòng vo, bị HĐXX nhắc cần tập trung trả lời vào câu hỏi, ông Thắng mới trả lời là “không”, bởi việc cảnh báo không có trong thẩm quyền của bị cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận