4 bị cáo tại phiên tòa |
Vụ tiêm nhầm vắc xin nói trên khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong ngày 20/7/2013 tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa đã gây chấn động dự luận. Sau quá trình điều tra của cơ quan chức năng, có 4 cán bộ của Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong đó, Nguyễn Thị Thuận (nguyên là Y sĩ Khoa sản), bị truy tố về tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. 3 người còn lại bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Văn Thiện (nguyên Phó Giám đốc), Trần Thị Hải Vân (nguyên Y tá trưởng Khoa sản) và Lê Huỳnh Sơn (nguyên Phó Phòng Kế hoạch - Tổng hợp).
Theo cáo trạng, sáng 20/7/2013, sau khi nhận y lệnh, y sĩ Thuận đến Khoa khám bệnh, nơi đặt tủ lạnh bảo quản thuốc lấy vắc-xin viêm gan B cho 3 trẻ sơ sinh là con của các sản phụ Nguyễn Thị Nga (trú thị trấn Lao Bảo), Trần Thị Hà (trú thị trấn Khe Sanh) và Hồ Thị Sương (trú xã Thuận, cùng thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Rất đông người đến dự phiên tòa |
Do mất điện, y sĩ Thuận bật đèn pin điện thoại di động để soi mở tủ lạnh, lấy nhầm 3 lọ thuốc (thuốc gây mê Esmeron) trong hộp giấy không đậy nắp, sau đó thao tác rút thuốc tiêm cho 3 trẻ. Gần 1 giờ sau, y sĩ Thuận nghe kêu cứu liền chạy đến thì 3 trẻ trong tình trạng tím tái, thở nấc nên nhanh chóng đưa sang phòng cấp cứu, nhưng 3 trẻ đã tử vong sau đó.
Sau đó, y sĩ Thuận trở lại phòng sinh tìm lại 3 vỏ lọ thuốc vừa tiêm thấy bên ngoài có dòng chữ Esmeron chứ không phải vắc-xin, biết đã tiêm nhầm thuốc, y sĩ Thuận quay lại Khoa khám bệnh mở tủ lạnh lấy vỏ hộp thuốc Esmeron đã tiêm cho 3 trẻ cất vào túi áo. Thuận lấy 3 lọ vắc-xin viêm gan B chưa sử dụng về Khoa sản, rồi lấy bơm kim tiêm hút thuốc vắc-xin ra xả xuống nền nhà, rồi đặt 3 vỏ lọ thuốc vắc-xin viêm gan B vào sọt rác trên xe tiêm, còn 3 vỏ lọ thuốc Esmeron thì vứt vào gốc cây phía sau khoa sản của bệnh viện.
Trong khi đó, Lê Huỳnh Sơn chính là người tự ý bỏ 3 lọ thuốc Esmeron vào tủ thuốc, chung với vắcxin viêm gan B, uốn ván. Còn Trần Thị Hải Vân là người được giao quản lý tủ thuốc nói trên.
Trước đó, vào năm 2008, Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa tiếp nhận sinh phẩm chống uốn ván SAT, do đó bệnh viện trang bị 1 tủ lạnh đặt tại Khoa Dược - Xét nghiệm - X quang để bảo quản thuốc. Năm 2009, ngành Y tế triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin viêm gan B, Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa đã chuyển tủ lạnh này đến Khoa Khám bệnh và giao cho Y tá trưởng Trần Thị Hải Vân có trách nhiệm quản lý và bảo quản. Ngày 9/5/2013, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Văn Thiện (Phó Giám đốc được ủy quyền) quyết định cho Khoa Dược nhập 50 lọ Esmeron để phục vụ cho việc phẫu thuật và giao cho Khoa Dược quản lý, bảo quản trong dây chuyền lạnh đặt tại phòng xét nghiệm, đồng thời giao cho Lê Huỳnh Sơn được phép y lệnh và sử dụng thuốc Esmeron.
Ngày 6/6/2013, Sơn lấy 1 hộp thuốc để phục vụ phẫu thuật nhưng không dùng hết, còn khoảng 5-6 lọ, nên mang về phòng để bảo quản nhưng phòng khóa cửa nên đi thẳng đến Khoa Khám bệnh. Tại đây, Sơn lấy bút lông ghi chữ “Thuốc độc” lên vỏ hộp, rồi tùy tiện bỏ vào tủ lạnh ngăn bảo quản sinh phẩm chống uốn ván SAT và vắc-xin viêm gan B rồi ra về. Trong một lần phẫu thuật, Sơn có cử nhân viên đến Khoa Khám bệnh lấy thuốc Esmeron về sử dụng, còn lại không thông báo cho ai biết.
Bị cáo Nguyễn Thị Thuận đang đứng trước vành móng ngựa |
Sau khi xảy ra việc lấy nhầm thuốc của y sĩ Thuận gây ra cái chết của 3 trẻ sơ sinh ngày 20/7/2013, Sơn mới nhận ra thuốc mình gửi không đúng quy trình.
Theo cáo trạng, chính việc sử dụng, bảo quản thuốc không đúng quy định của Sơn là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh. Đối với Vân, do quản lý lỏng lẻo, để người khác tùy tiện bỏ thuốc vào tủ lạnh, không kiểm tra thường xuyên nên không biết có hộp thuốc lạ. Còn Phó giám đốc Nguyễn Văn Thiện, thời điểm xảy ra vụ án tiêm nhầm vắc-xin khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong, là người được ủy quyền quản lý hoạt động của bệnh viện.
Đáng chú ý, sau khi khi kiểm tra công tác bảo quản vắc-xin viêm gan B, phát hiện thuốc Esmeron trong tủ lạnh bảo quản của bệnh viện, ngày 18/7/2013, đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã ra kết luận việc Khoa sản gửi vắc-xin tại phòng khám chung với các sinh phẩm khác của phòng khám là không đúng quy định, nhưng kết luận này đã không được chấn chỉnh kịp thời.
Việc thiếu trách nhiệm của các bị cáo Thiện, Vân, Sơn chính là nguyên nhân dẫn đến việc y tá Thuận lấy nhầm thuốc để tiêm, dẫn đến cái chết đau lòng của 3 trẻ sơ sinh nói trên.
Sau khi nghỉ trưa, 14 giờ chiều nay (27/3), phiên xét xử sơ thẩm vụ án tiêm nhầm vắc-xin khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong sẽ tiếp tục diễn ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận