"Chúng ta đang tạo ra một thế hệ rô bốt, sơ cứng, chỉ nhìn thấy một mặt của vấn đề" |
Phóng viên: Tình trạng trẻ em, nhất là ở thành phố đang phải gồng mình trong những lớp học thêm hay trong những buổi học nhồi sọ nặng nề mỗi khi hè về... Dưới góc độ là một nhà xã hội học, ông nghĩ thế nào về tình trạngnày?
TS Trịnh Hòa Bình: Tôi thực sự ái ngại trước việc trẻ em đang từng ngày phải gồng mình, trang trải quỹ thời gian khổng lồ để thoả mãn những đòi hỏi, áp lực đè nén... của các bậc phụ huynh. Tình trạng này dẫn tới hậu quả làm cho trí não, thần kinh, sức khỏe thể chất của trẻ bị bóc lột, bị đe dọa, khiến chúng không có thời gian ngơi nghỉ để có thể tái sản xuất năng lực, suy nghĩ, tư duy...
Thực tế, qua việc các lớp học thêm, các lớp học năng khiếu... phụ huynh luôn kỳ vọng con cái mình sẽ trở thành những tài năng. Điều này vô hình chung đã tạo nên guồng máy chạy đua giữa các gia đình, làm manh nha cơn sốt thành thị... Ở nông thôn thì sao? Tôi nghĩ rằng, đó vẫn là những guồng bước chân, tốc độ đua chen, học hành không kém gì so với ở thành thị.
Xã hội đòi hỏi những thúc bách nặng nề thì các bậc phụ huynh đều muốn con em mình nổi bật, giỏi giang hơn người. Để đạt được mục tiêu ấy, các bậc phụ huynh không nề hà bỏ ra một số tiền lớn để đăng ký cho con vào những lớp học với điều kiện học tập tốt nhất. Thêm nữa là việc thuê người đưa đi đón về, thậm chí cha mẹ sẵn sàng nghỉ làm để đưa con đi học hay đón con về ...
Thay vì biến học hành trở thành trò chơi," mỗi ngày đến trường là một niềm vui" thì việc làm này vô hình chung không chỉ tạo ra sức ép cho trẻ em mà cả xã hội khi dòng người tham gia giao thông lớn, khó kiểm soát trong những giờ cao điểm và cả các dịch vụ khác...
Phóng viên: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Theo tôi, bức tranh xã hội khi chúng ta hội nhập là nguyên nhân tiên quyết, có tác động mạnh mẽ. Song song với đó là áp lực đua chen kiếm sống, gắng gỏi mưu sinh của mỗi bậc làm cha, làm mẹ khiến họ luôn lo lắng cho con có được chỗ đứng dưới gầm trời này. Điều này đã tạo nên những thúc bách, guồng quay đầy áp lực với con trẻ. Có thể chỉ rõ, quãng đường trẻ em hành tiến đến nhà trường đang từng ngày trở nên sơ cứng và chật chội.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh tới cuộc sống ở thành thị đang từng ngày giảm chất liệu nhân văn, tăng chất liệu cơ học. Từ đó tạo nên dòng người hỗn độn đua chen, hối hả, hay đủ thứ ngôn ngữ pha tạp đang từng ngày, từng giờ giáng xuống đầu con trẻ. Nói theo hình ảnh văn chương đó là sự "cưỡng bức xã hội hóa" theo xu hướng ấy.
Nguyên nhân sâu xa hơn, không ở đâu khác mà nằm ngay trong chính mỗi gia đình Việt Nam. Theo đó, căn bệnh mưu sinh, đời sống công nghiệp hóa đã làm giảm thiểu sự hòa đồng giữa môi trường với thiên nhiên, giảm thiểu giá trị nhân văn, nhân bản. Trong đó, con người chỉ chú ý tới tính hướng đích là gặt hái thành công, và có thu nhập kinh tế mang lại...
Xin đừng "đánh cắp" tuổi thơ hồn nhiên của trẻ em. (ảnh: Minh họa) |
Phóng viên: Theo ông, hệ lụy của việc trê em bị "đánh cắp" mùa hè bởi những lý do kể trên là gì? Ông có thể chỉ rõ nguy cơ được không?
Hệ lụy là trẻ em bị nhốt trong môi trường công nghiệp, cơ học, ồn ĩ lặp đi lặp lại cho thấy thực tế đáng buồn trong xã hội hiện nay, đó là hướng đến việc đào tạo ra những rô bốt, cho dù là rô bốt thông minh.
Đời sống có tính chất công nghiệp khiến con trẻ mất đi phần hồn nhiên, tuổi thơ bóng báy, mông muội, mong manh, mỏng mảnh nhưng nó tinh tế hơn thay vì bắt nó phải già trước tuổi. Trào lưu nhà nhà đi nghỉ mát, người người đi biển với hi vọng bù hao năng lượng cho con trẻ nhưng thực tế chỉ rõ những kỳ nghỉ đó không thể thay thế cho sự thay đổi dạng thức, nhất là điều tiết dạng thức để thay đổi cuộc sống sinh hoạt và học tập. Qua đó, làm cho con trẻ gần với môi trường, có tình yêu với thiên nhiên.
Theo tôi nguy cơ tiềm ẩn vẫn là việc tạo ra một thế hệ rô bốt, thế hệ sơ cứng, thế hệ chỉ nhìn thấy một mặt của vấn đề như: Tích tụ, phát triển để đua chen thay vì đào tạo một cách toàn diện để hướng tới con người hội tụ đầy đủ trí, đức, thể, mỹ như mục tiêu của ngành giáo dục đã đề ra.
Đối với mỗi nhà trường, chúng ta từng có thời gian lên án về việc một số trường chú trọng tới việc dạy chữ hơn dạy người, cha mẹ bị giằng xé trong cuộc mưu sinh... Từ đó quá trình chuyển biến văn hóa, tiếp biến văn hóa ngày càng hạn chế, làm cho con người phát triển thiếu toàn diện, xu hướng của con người kỹ trị nhiều hơn con người của xã hội nhân văn. Đặt trong bối cảnh đó, con trẻ sẽ trở nên " hung hăng", tức là đều"cuồng", băng băng tiến về phía trước, dẫn tới mất cân bằng trong suy nghĩ và hành động của chúng.
Phóng viên: Theo ông cần có biện pháp hữu hiệu gì để thay đổi thực trạng này?
TS Trịnh Hòa Bình: Không chỉ gia đình mà mỗi nhà trường cũng như các bộ phận thành tố của xã hội phải liên nối với nhau vì quyền và lợi ích của con trẻ. Trong đó, xã hội cần điều tiết bằng việc đổi mới giáo dục, thay đổi quản trị xã hội, hướng đến một nền giáo dục mà con người làm trung tâm, gắn kết con trẻ với môi trường thiên nhiên, đất nước.
Nếu một đứa trẻ sống trong môi trường cơ học sẽ giảm thiểu tình yêu nước vì lúc nào cũng thấy lợi ích, giáo dục đào tạo sao có tài, kiếm được nhiều tiền mà không thấy Tổ quốc, đất nước ở đâu.
Đối với cá nhân tôi, bên cạnh tầng vĩ mô (quốc gia, chính phủ điều tiết) thì mỗi gia đình cần nhìn nhận thấu đáo, nâng cao kinh nghiệm và tự đúc rút bài học cho mình qua những gì thực tế đã chứng minh.
Đối với gia đình tôi, tôi luôn kiên trì quan điểm không gây áp lực, không yêu cầu con cái phải vào trường chuyên, lớp chọn, không chạy điểm, mua điểm mà chỉ cho con ghi tên ứng thí vào trường điểm và thi theo hình thức thuần túy.
Xin cảm ơn ông !
Ái Liên (thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận