Hàng hải

Xin xây bến cảng 35.000 tỷ tại Nam Định, doanh nghiệp cam kết những gì?

08/09/2022, 11:43

CTCP Xuân Thiện Nam Định vừa có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến hồ sơ xin bổ sung bến cảng chuyên dùng vào quy hoạch.

Cần 15 bến cảng phục vụ các nhà máy thép

CTCP Xuân Thiện Nam Định vừa có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến hồ sơ xin bổ sung bến cảng chuyên dùng vào quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1.

img

Phối cảnh Tổ hợp nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện đang được triển khai tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ảnh: Lao Động

Văn bản do ông Nguyễn Huy Hoàng - Tổng Giám đốc CTCP Xuân Thiện Nam Định ký phân tích khá cụ thể lượng hàng thông qua bến cảng Xuân Thiện Nam Định (nguyên vật liệu, thành phẩm), đảm bảo đồng bộ với tiến độ khả thi trong việc đầu tư, khai thác các nhà máy thép, xi măng, cơ sở công nghiệp liên quan. Trên cơ sở đó, tính toán số lượng, quy mô bến phù hợp cho từng giai đoạn.

Theo đó, với quy mô Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định công suất 7,5 triệu tấn/năm và nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng công suất 2,0 triệu tấn/năm đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư, Nhà đầu tư này khẳng định, nhu cầu nhập nguyên liệu tương ứng khoảng 2,04 triệu tấn nguyên liệu/ 1 triệu tấn thép thành phẩm của nhà máy.

Đồng thời, trong quá trình thi công tổ hợp nhà máy thép, ứng với từng giai đoạn khác nhau dự kiến nhập khoảng 400.000 tấn hàng hoá, thiết bị bằng đường biển. Hàng năm, dự kiến xuất nhập khoảng 2,5 - 3 triệu tấn hàng tổng hợp, container phục vụ quá trình vận hành nhà máy.

Theo ông Hoàng, hiện tại, một lượng lớn clinker của các nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Xuân Thiện nói riêng và các Nhà máy xi măng tại khu vực tỉnh Hà Nam, Ninh Bình đang phải sử dụng phương tiện thuỷ nội địa chở ra khu chuyển tải Hòn Nét - Quảng Ninh, bốc sang các tàu trọng tải lớn để xuất khẩu nhằm tận dụng kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa, giảm áp lực lên kết cấu hạ tầng đường bộ.

Ngoài ra, do khối lượng hàng hóa xếp dỡ tại cầu cảng lớn nên doanh nghiệp này định hướng sẽ sử dụng các loại thiết bị có công suất lớn bốc xếp tại cầu cảng, cùng hệ thống băng chuyền để vận chuyển than, quặng... vào trực tiếp nhà máy nhằm giải phóng tàu nhanh, tăng hệ số bận bến để giảm quy mô, số lượng cầu cảng và phạm vi chiếm dụng quỹ đất, mặt nước.

“Giải pháp công nghệ, công suất thiết bị tại cầu cảng dự kiến áp dụng tương tự hoặc cao hơn so với thiết bị của một số nhà máy thép hiện đang khai thác”, ông Hoàng khẳng định.

Từ đây, nhà đầu tư đề xuất cần 15 bến cảng (tàu cập 2 bên được tính là 2 bến) phục vụ các nhà máy thép, 2 bến xuất clinker, 2 bến tổng hợp, container nhập thiết bị và xuất các sản phẩm khác trực tiếp cho các Nhà máy thép.

Cam kết thường xuyên nạo vét duy tu

Ông Hoàng cho biết thêm, do các bến cảng chuyên dùng được xác định là một hạng mục đầu tư trong tổng thể đầu tư Nhà máy thép, nên sẽ đánh giá tính hiệu quả, khả thi của việc đầu tư các hạng mục công trình bến cảng, luồng tàu, công trình bảo vệ theo hiệu quả tổng thể của các nhà máy thép, bằng cách đưa tổng mức đầu tư phần xây dựng, thiết bị, vận hành và dự phòng hạng mục bến cảng, luồng tàu, công trình bảo vệ vào tổng thể đầu tư 2 nhà máy thép để tính hiệu quả đầu tư.

Theo đó, chi phí đầu tư xây dựng ban đầu là 35.118 tỷ đồng, chi phí vận hành cảng là 925,5 tỷ đồng.

Đối với khả năng nạo vét, duy trì tuyến luồng, vùng nước bể cảng đáp ứng cỡ tàu theo nhu cầu hoạt động, doanh nghiệp phân tích, so sánh với hệ số sa bồi các khu vực lân cận như Lạch Huyện thì khu vực dự án xây dựng cảng Xuân Thiện có lượng sa bồi tương đương (trường hợp không xây dựng đê chắn sóng).

img

Nhà đầu tư cam kết dùng các thiết bị, máy móc để thường xuyên duy tu, nạo vét. Ảnh minh họa

Do đó, tuyến luồng vào cảng sau khi nạo vét có bề rộng 200 m đến cao trình đáy từ -16m (hệ hải đồ) đáp ứng cho tàu có trọng tải 100.000 DWT (tàu lớn hơn lợi dụng mực nước, giảm tải), cùng việc xây dựng hệ thống công trình bảo vệ, phải tiến hành nạo vét duy tu khoảng 3 triệu m3/năm (khối lượng nạo vét duy tu lớn trong năm đầu vận hành và có thể sẽ giảm dần vào các năm tiếp theo).

“Với khối lượng này, nhà đầu tư cam kết sẽ sử dụng phương tiện, máy móc thiết bị của mình thường xuyên nạo vét duy tu đảo bảo chuẩn tắc theo thiết kế”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Ngoài ra, với các tác động về môi trường, thủy hải văn của công trình bến cảng Xuân Thiện Nam Định (bao gồm 2 tuyến đê) đối với của Lạch Giang và khả năng đầu tư xây dựng các công trình khác liên quan tại khu vực, nhà đầu tư cũng cam kết sẽ sử dụng phương tiện, máy móc thiết bị của mình, thường xuyên nạo vét tại các vị trí bị bồi lắng để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến dòng chảy tại khu vực cửa Ninh Cơ.

“Nhà đầu tư cam kết bằng máy móc thiết bị, kính phí của mình và huy động từ các tổ chức hợp pháp khác sẽ nạo vét thiết lập tuyến luồng chuyên dùng, vùng nước bề cảng đáp ứng cỡ tàu theo nhu cầu hoạt động, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải tại khu vực. Đồng thời, tự chịu trách nhiệm về kinh phí đầu tư ban đầu, duy tu và duy trì hoạt động của tuyến luồng chuyên dùng, cũng như tự chịu trách nhiệm về chuẩn tắc, hiệu quả đầu tư và khai thác dùng”, Tổng Giám đốc CTCP Xuân Thiện nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.