Bộ TN&MT trình phương án báo cáo xin ý kiến Thủ tướng về việc không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống biển - Ảnh minh hoạ |
Liên quan đến việc nhận chìm 1 triệu m3 chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận đang gây nhiều ý kiến trái chiều, theo thông tin mới nhất, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan vừa có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty THHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 9/8 về việc này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đây mới là phương án báo cáo để xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vì vấn đề này liên quan đến cả tỉnh Bình Thuận và Bộ Công thương nên Bộ TN&MT đã nghiên cứu, báo cáo để Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trong văn bản thống nhất với tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan, Bộ TN&MT đồng ý phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất, toàn bộ khối lượng vật, chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Bộ cũng thống nhất với UBND tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà đầu tư về sự cần thiết phải xây dựng và sớm vận hành các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nhằm đảo bảo quyền lợi của nhà đầu tư và an ninh năng lượng Quốc gia.
Đối với các giải pháp lâu dài, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, qui hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, lấn biển, chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt đánh giá các mặt về cơ sở khoa học, thục tiễn, kinh tế-xã hội để sử dụng vật chất nạo vét san lấp, lấn biển, chống xâm thực, sạt lở bờ biển.
Tháng 6/2017, thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy cho phép Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu - khu vực trước bến của cảng than phục vụ cho nhà máy, xuống vùng biển cách khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ khoảng 8 km. Sau khi có giấy phép trên, trước dư luận lo ngại cho môi trường của Hòn Cau, đặc biệt của khu vực nuôi tôm giống, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có công văn đề nghị Ban Bí thư, Ban Kinh tế TƯ chỉ đạo xem xét lại một cách khách quan, toàn diện dự án này. Ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ TN&MT xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định pháp luật, đồng thời giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận